365 ngày trong năm, rất nhiều người đã cố gắng làm việc, lao động vất vả những mong có cuộc sống khá giả hơn. Song cũng có không ít trường hợp dù đã cật lực bỏ công sức, mồ hôi, thậm chí cả máu nhưng thu nhập chỉ đủ ăn. Đó là chưa kể những người già neo đơn, trẻ em mồ côi, khuyết tật… không nơi nương tựa.
365 ngày trong năm, rất nhiều người đã cố gắng làm việc, lao động vất vả những mong có cuộc sống khá giả hơn. Song cũng có không ít trường hợp dù đã cật lực bỏ công sức, mồ hôi, thậm chí cả máu nhưng thu nhập chỉ đủ ăn. Đó là chưa kể những người già neo đơn, trẻ em mồ côi, khuyết tật… không nơi nương tựa.
Tết đến, nhiều người trong số gia đình nghèo buồn rơi nước mắt vì không thể sắm nổi cho gia đình bữa cơm đầu năm tươm tất; không mua nổi cho con nhỏ bộ quần áo. Tết cổ truyền Việt Nam là tết của mọi gia đình, là thời điểm để những người con xa quê đoàn tụ với gia đình; là dịp “làm mới” nhà cửa, mua sắm cho gia đình và chính bản thân. Tuy nhiên, có nhiều hộ nghèo chỉ biết ngậm ngùi nhìn không khí đường phố nhộn nhịp đón xuân trong nỗi buồn da diết. Vì thế, chủ trương của Đảng và Nhà nước kêu gọi cộng đồng chung tay vì người nghèo để mọi nhà đều có tết là hết sức có ý nghĩa.
Nhiều năm qua, tất cả các địa phương trên cả nước đều tổ chức “mang tết đến cho người nghèo”. Hình ảnh đó dường như đã thành thông lệ. Để người nghèo có một cái tết thật sự, không chỉ là lời nói suông mà là hành động thiết thực như một trách nhiệm của các ngành, địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng. Có thể nói, chăm lo cho các gia đình chính sách, hộ gia đình nghèo đã trở thành ý thức hệ, thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, là phong tục mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Ở Đồng Nai, cứ độ xuân về là các ngành chức năng, tổ chức xã hội, tôn giáo… dành nhiều thời gian để kêu gọi, vận động những nhà hảo tâm hỗ trợ người nghèo đón tết; chính quyền các cấp tổ chức những đoàn đến vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thăm hỏi, động viên người nghèo, gia đình chính sách. Những gói quà xuân đến với người nghèo, dù chỉ là một số thực phẩm để mỗi gia đình có thể làm được mâm cơm đầu năm, một ít tiền mặt nhưng đã chất chứa, thấm đậm tình nhân ái. Hoạt động nghĩa tình này đã phần nào giúp người nghèo giảm bớt ưu tư, qua đó mọi nhà, mọi người cùng được đón xuân trong niềm vui chung của dân tộc.
Những ngày tới, hàng ngàn hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh sẽ được nhận những phần quà xuân trị giá hàng chục tỷ đồng do Ủy ban MTTQ, Hội Chữ thập đỏ, Hội Từ thiện, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp, tôn giáo… trực tiếp đi thăm hỏi, chúc tết sớm. Sự quan tâm của cả xã hội đối với đồng bào nghèo mang ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, là đạo lý biểu hiện chính sách an sinh xã hội phù hợp của một đất nước đang phát triển. Điều đó không chỉ nói lên tinh thần tương thân tương ái, giúp người nghèo có điều kiện hòa nhập cộng đồng xã hội, từng bước nâng cao đời sống.
Tết Bính Thân 2016 đang đến gần, không khí đón xuân trên các ngả đường hiện chộn rộn từng giờ. Chắc hẳn, ở đây đó vẫn còn những trường hợp nghèo cũng cần đón tết. Và họ sẽ không còn cô đơn, tủi phận khi cả xã hội đồng lòng chung tay góp sức để mỗi hộ nghèo, tất cả người nghèo đều được vui đón xuân trong những thời khắc thiêng liêng của một năm mới - tết cổ truyền của dân tộc đang cận kề.
Tạ Nguyên