Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiểu rõ mình để phấn đấu

09:11, 01/11/2015

Không phải đến bây giờ, khi việc phân hạng giáo viên sẽ chính thức được triển khai thực hiện ở các cấp học phổ thông từ ngày 3-11-2015, câu chuyện về lương, thu nhập của giáo viên mới trở nên "nóng" mà trước đó từ rất lâu, đây là vấn đề luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt.

Không phải đến bây giờ, khi việc phân hạng giáo viên sẽ chính thức được triển khai thực hiện ở các cấp học phổ thông từ ngày 3-11-2015, câu chuyện về lương, thu nhập của giáo viên mới trở nên “nóng” mà trước đó từ rất lâu, đây là vấn đề luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt. Lý do của sự quan tâm này khá đơn giản: giáo viên là lực lượng lao động khá đông đảo, đặc thù và có ảnh hưởng lớn đến xã hội.

Từ lâu, nhà giáo trong xã hội bị mặc định là “nhà nghèo”. Thu nhập của giáo viên, nhất là bậc mầm non và tiểu học luôn bị kêu than không đủ sống. Chính vì thế, đã có không ít giáo viên phải bỏ nghề hoặc làm thêm nhiều nghề khác nhau để nuôi niềm đam mê với trường lớp, học sinh. Vì thế, dù rất muốn nâng cao trình độ nhưng vì “cơm, áo, gạo, tiền”, không ít giáo viên đành bỏ lỡ các cơ hội học tập và bằng lòng với vị trí của mình. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến nhiều giáo viên không mặn mà với việc đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm hấp dẫn, thu hút học sinh.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội và yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng dạy học của ngành giáo dục, có thể thấy số giáo viên giảng dạy theo phương pháp cũ đang ngày một ít đi. Thay vào đó, số giáo viên được chuẩn hóa về trình độ, gia tăng năng lực, từng bước đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện ngành GD-ĐT đang ngày một nhiều hơn. Không ít giáo viên đã tự mày mò học tập, viết sáng kiến, kinh nghiệm để phục vụ tốt hơn công việc  của mình.

Trong thực tế, thu nhập của giáo viên ngày nay cũng được cải thiện đáng kể, nhất là đội ngũ giáo viên ở khu vực thành thị. Một số giáo viên đã “sống khỏe” được với nghề, tạo được uy tín bằng chính khả năng giảng dạy của mình. Đó là một tín hiệu đáng mừng. Và càng mừng hơn nếu như những nhà giáo sống khỏe với nghề ấy vẫn giữ vững được phẩm chất của người thầy, luôn tận tụy, hết mình vì học sinh.

Việc Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ ban hành các thông tư về chức danh nghề nghiệp của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS, THPT thể hiện trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên, được sử dụng làm căn cứ để thực hiện công tác quy hoạch, tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên là việc hết sức cần thiết. Căn cứ vào chức danh này, những tiêu chuẩn cụ thể của giáo viên, bao gồm: tiêu chuẩn về đạo đức nghề  nghiệp; về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ được thể hiện rõ ràng hơn ở từng hạng với các cấp độ từ thấp đến cao. Mức lương của từng hạng giáo viên cũng được cụ thể hóa. Chính vì thế, hơn ai hết, đội ngũ giáo viên sẽ hiểu rõ mình đang ở “hạng” nào để phấn đấu, nỗ  lực hơn nữa.

Tất nhiên, những quy định mới bao giờ cũng nhận được những ý kiến trái chiều lẫn băn khoăn, lo lắng. Song, những băn khoăn này sẽ không  còn đáng lo khi mỗi giáo viên biết nỗ lực học tập, nâng cao trình độ và phẩm chất đạo đức nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới trong sự nghiệp “trồng người”.                

Minh Ngọc

Tin xem nhiều