200 tỷ đồng là toàn bộ kinh phí xây dựng cơ bản hàng năm của TP.Biên Hòa, số tiền này phải "gánh" nhiều khoản đầu tư: nâng cấp hạ tầng giao thông, xây trường học, trạm y tế… Con số này quá vênh với nhu cầu thực tế.
200 tỷ đồng là toàn bộ kinh phí xây dựng cơ bản hàng năm của TP.Biên Hòa, số tiền này phải “gánh” nhiều khoản đầu tư: nâng cấp hạ tầng giao thông, xây trường học, trạm y tế… Con số này quá vênh với nhu cầu thực tế. Theo chính quyền thành phố, chỉ riêng nhu cầu vốn để nâng cấp, sửa chữa một số tuyến đường chính, cũng đã cần đến 3,6 ngàn tỷ đồng.
Với lượng dân nhập cư rất đông từ các huyện trong tỉnh và công nhân ngoại tỉnh, Biên Hòa đang đứng trước áp lực quá tải về nhiều mặt, mà trước mắt là quá tải về hệ thống giao thông.
Chẳng hạn, 2 trong số các phường có dân số đông của Biên Hòa là Long Bình và Trảng Dài hiện tại có hệ thống đường giao thông khá manh mún, nhỏ hẹp, trong đó đặc biệt là các tuyến đường chính nối Long Bình, Trảng Dài với trung tâm Biên Hòa hiện hữu lại rất hạn chế. Lãnh đạo phường Trảng Dài cho biết, trước mắt người dân rất cần được ưu tiên làm 1 tuyến đường để giúp giảm ách tắc giao thông. Hiên tại, Trảng Dài chỉ có 2 tuyến đường kết nối với bên ngoài là đường Bùi Trọng Nghĩa và đường Nguyễn Phước Chu.
Nâng cấp giao thông trong phạm vi các phường, xã đã gặp nhiều khó khăn, ngoài ra Biên Hòa còn “đau đầu” với các dự án giao thông huyết mạch khác: tuyến đường ven sông Cái, mở rộng đường Bùi Văn Hòa… đây là những tuyến đường quan trọng, song nhiều năm nay chính quyền thành phố vẫn chưa đủ lực để làm. Thành phố cũng đang kêu gọi đầu tư và một số doanh nghiệp đang khảo sát. Lãnh đạo Biên Hòa cho biết sẽ cố gắng từ nay đến năm 2020 phải đầu tư được tuyến đường ven sông Cái thông qua phương án kêu gọi nguồn vốn từ doanh nghiệp.
Thực tế, “xã hội hóa” là một cụm từ tuy phổ biến, song không dễ thực hiện, đặc biệt ở lĩnh vực hạ tầng giao thông đối với những tuyến đường nội tỉnh, nội thành. Các tuyến đường cao tốc, quốc lộ… có thể được doanh nghiệp coi như một hình thức đầu tư thu lãi lâu dài thông qua thu phí và các hình thức lấy lại vốn khác, do đó nguồn vốn thực hiện lớn song lại dễ dàng hơn trong việc kêu gọi doanh nghiệp tham gia. Trong khi đó, các tuyến đường nội tỉnh, thành phố, thậm chí “nội phường” lại rất khó để thực hiện xã hội hóa, do ít khi thực hiện được hình thức thu phí như các tuyến quốc lộ, cao tốc. Kinh phí thực hiện các tuyến đường nội tỉnh, nội thành có thể lên đến cả ngàn tỷ đồng, nhất là những con đường nội ô mà cư dân sinh sống dày đặc hai bên đường, chi phí bồi thường giải tỏa rất lớn. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho TP.Biên Hòa, do đó trong nhiều năm, những con đường nhỏ nội ô đã trở nên chật hẹp mà vẫn chưa thể nâng cấp hay mở rộng. Hình thức khả dĩ nhất để xã hội hóa nguồn vốn nâng cấp đường mà Biên Hòa tính tới là đổi đất lấy hạ tầng, song với những công trình đòi hỏi vốn quá lớn, nguồn quỹ đất để thực hiện cũng không dễ dàng gì.
Rộng ra, không chỉ Biên Hòa, tất cả các địa phương khác của Đồng Nai cũng đang loay hoay với túi tiền nhỏ hẹp, trong khi nhu cầu chi cho đầu tư phát triển lại vượt gấp nhiều lần. Cơ chế hiện tại chỉ cho phép huy động vốn trong một số giới hạn cho phép, còn lại đều trông chờ vào ngân sách, do đó bài toán để cân đối túi tiền và nhu cầu vẫn là bài toán khó chưa lời giải.
Vi Lâm