Tết Nguyên đán 2015 sẽ là một cái tết tương đối đặc biệt với người dân Đồng Nai khi bức tranh hạ tầng giao thông đã khá rõ nét sau nhiều năm đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp. Hiện tại, trên công trường 2 nút giao trọng điểm ở TP.Biên Hòa là cầu vượt ngã tư Amata và hầm chui ngã tư Tam Hiệp, nhà thầu lẫn hàng trăm công nhân đang trắng đêm thi công để kịp đón tết.
Tết Nguyên đán 2015 sẽ là một cái tết tương đối đặc biệt với người dân Đồng Nai khi bức tranh hạ tầng giao thông đã khá rõ nét sau nhiều năm đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp. Hiện tại, trên công trường 2 nút giao trọng điểm ở TP.Biên Hòa là cầu vượt ngã tư Amata và hầm chui ngã tư Tam Hiệp, nhà thầu lẫn hàng trăm công nhân đang trắng đêm thi công để kịp đón tết. Nhiều người dân tỏ ra khá hài lòng vì 2 nút giao nói trên vốn là tâm điểm kẹt xe trước nay do đều là cửa ngõ từ quốc lộ 1 vào TP.Biên Hòa, khi hoạt động, 2 công trình sẽ giúp giải tỏa bớt lượng xe từ nội ô Biên Hòa đổ ra các khu công nghiệp.
Có thể nói, với vị trí đặc biệt quan trọng trong giao thông, Đồng Nai là nơi đặc biệt được ưu tiên trong xây dựng hạ tầng. Chỉ tính trong 4 năm trở lại đây, Đồng Nai được Bộ Giao thông - vận tải đầu tư gần 10 dự án giao thông quan trọng, trong đó có dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 51, quốc lộ 20, quốc lộ 1. Các dự án cầu gồm có: cầu Đồng Nai, cầu Hóa An mới, cầu vượt ngã tư Tân Vạn, cầu Bửu Hòa, cầu vượt đường sắt trên quốc lộ 1 (TX.Long Khánh), cầu vượt Amata, hầm chui ngã tư Tam Hiệp...
Phía tỉnh cũng nỗ lực bố trí vốn để đầu tư thêm các tuyến đường tỉnh, cầu vượt, hầm chui để tăng cường tính kết nối, cụ thể là đường 768, 769, đường 25B… Tỉnh cũng đang chuẩn bị các điều kiện để có thể sớm khởi công dự án cầu An Hảo, nối ngã tư Vũng Tàu với trung tâm TP.Biên Hòa.
Đến thời điểm này, bức tranh giao thông cũng khá rõ nét vì các tuyến quốc lộ: 1, 20, 51 đã nâng cấp xong sau nhiều năm người dân phải “trả giá” khi di chuyển trên những công trình lộ thiên đầy bụi bặm và nguy hiểm. Cầu vượt Tân Vạn, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây sắp thông xe suốt tuyến vào ngày 8-2, cầu Đồng Nai hoàn tất... Nhiều kỳ vọng về thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ được đặt ra.
Ngoài ra, dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường cao tốc dài nhất miền Nam (trên 51km) trị giá 1,6 tỷ USD cũng được Thủ tướng Chính phủ bấm nút khởi công vào tháng 7-2014. Dự kiến, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương trị giá 34 ngàn tỷ đồng cũng được khởi công trong năm 2015.
Nhiều người cho rằng, chỉ vài năm nữa, từ Đồng Nai, thời gian di chuyển đến TP.Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Lâm Đồng và các tỉnh miền Tây sẽ rút ngắn chỉ còn trên dưới 50% so với thời gian di chuyển hiện nay. Đó là cả một nỗ lực lớn với cả Chính phủ lẫn địa phương, bởi đầu tư giao thông, hạ tầng tại Việt Nam hiện đang là dạng đầu tư được xếp vào loại tốn kém nhất và lâu lấy lại vốn nhất. Mỗi công trình đầu tư theo dạng BOT hiện tại, thời gian thu phí từ người dân có thể lên đến 30 năm. Tuy vậy, để có đường đẹp và an toàn, người dân sẵn sàng “móc ví” trả tiền phí, chỉ mong chất lượng công trình và vốn liếng được quản lý và kiểm soát tốt, vì mỗi công trình sẽ phải sử dụng hàng chục, thậm chí cả trăm năm.
Vi Lâm