Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ bản sắc của tết

11:02, 09/02/2015

Cách đây không lâu, trong dư luận xã hội, nhất là trên cộng đồng mạng, có ý kiến đề xuất nên "gộp" tết Tây và tết ta vào thành một cho tiện lợi, cụ thể là người Việt Nam nên "ăn tết" vào dịp đầu năm Dương lịch.

Cách đây không lâu, trong dư luận xã hội, nhất là trên cộng đồng mạng, có ý kiến đề xuất nên "gộp" tết Tây và tết ta vào thành một cho tiện lợi, cụ thể là người Việt Nam nên "ăn tết" vào dịp đầu năm Dương lịch. Ý kiến này đã rộ lên những tranh cãi quyết liệt với nhiều lý lẽ, lập luận phản biện lẫn nhau, đặc biệt "phe" đề xuất ăn tết theo Tây đã đưa ra nhiều phân tích, dẫn chứng về những tiện ích, như: tiết kiệm (chỉ tốn tiền ăn tết một lần), lợi ích (thu hút du khách Tây), hội nhập quốc tế. Tranh cãi chán chê, nhưng rồi rốt cuộc vẫn "ai ăn tết nấy". Bởi vì truyền thống, tập tục đón tết của người Việt Nam nói riêng và của một dân tộc nói chung vừa là bản sắc văn hóa, vừa mang tính thiêng liêng mà không một lợi ích, tiện dụng nào có thể thay thế được.

Cũng như vậy, đã có luồng dư luận tương tự về việc đón Tết Nguyên đán đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây, nhiều dân tộc thiểu số không đón Tết Nguyên đán mà có tết riêng của dân tộc mình, như người Chăm có tết Ka-tê, người Khmer có tết Chol Chơnam Thmay, người Mông có tết Nao-xcha, người Chơro với tết Sayangva... với những phong tục, tập quán, giải trí riêng: ném còn, múa gươm, múa sạp, đua ghe ngo, té nước...

Trong quá trình phát triển của xã hội, nhất là những thập niên gần đây, đồng bào dân tộc thiểu số có sự hòa nhập đời sống mạnh mẽ nên dần có sự hội nhập về văn hoá. Nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số đã chuyển sang đón Tết Nguyên đán. Vì thế, bên cạnh các chính sách chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, cho đến nay hầu hết chính quyền các địa phương đều có chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số cùng đón Tết Nguyên đán. Ngoài chế độ hỗ trợ từ ngân sách, trong dịp tết các đoàn làm công tác từ thiện xã hội cũng thường ưu tiên hỗ trợ đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với mong muốn bà con nơi đây cũng có được cái tết tươm tất, tươi vui an lành như mọi người. Tranh cãi cũng bắt đầu từ đây. Một số người cho rằng như thế là “góp phần” làm mất bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số, là “đồng hóa” với người Kinh.

Về ý nghĩa, tết là thời khắc kết thúc năm cũ và khởi đầu năm mới, “ăn tết” vừa là sự “xả hơi” sau một năm làm lụng vất vả, vừa cầu mong một năm mới thuận lợi. Trước đây, sở dĩ các dân tộc đón tết vào các thời điểm khác nhau là do có sự khác biệt trong tập quán canh tác. Sự hội nhập về kinh tế mạnh mẽ trong thời gian sau này đã dần xóa đi sự khác biệt này, vì thế kéo theo sự hội nhập về văn hóa là điều tất yếu. Tuy nhiên, bản chất văn hoá Việt Nam là luôn có sự giao thoa, nạp vào để làm giàu thêm các giá trị chứ không loại trừ. Tại Đồng Nai, những năm gần đây các địa phương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, như: Vĩnh Cửu, Long Thành (dân tộc Chơro), Xuân Lộc (dân tộc Chăm)... đều có chính sách hỗ trợ đồng bào tổ chức lễ, tết theo phong tục của dân tộc. Bên cạnh việc đón Tết Nguyên đán, cả dân tộc Việt Nam đều hòa chung niềm vui trong thời khắc trời đất chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, các dân tộc thiểu số vẫn giữ nguyên các lễ, tết của dân tộc mình. Điều này cũng được Đảng và Nhà nước hết sức ủng hộ.

Hà Lam

Tin xem nhiều