
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII vừa kết thúc ngày 28-11, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Điều này khẳng định tầm quan trọng trong công tác thi hành án đối với quyền, lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII vừa kết thúc ngày 28-11, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm 2008. Điều này khẳng định tầm quan trọng trong công tác thi hành án đối với quyền, lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
Thực tế, công tác thi hành án dân sự thời gian qua cho thấy việc thi hành bản án đối với bên phải thi hành án đã góp phần bảo vệ quyền, nghĩa vụ của người được thi hành án, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Qua đó, nhiều vụ án tranh chấp dân sự được thực thi nghiêm minh, đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, có không ít vụ việc mà công tác thi hành án chậm trễ, điều này được lý giải là do khách quan. Song, vụ thi hành án rất “lạ đời” mà trường hợp xử lý nợ sau khi Công ty rượu champagne Matxcơva ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 giải thể vào năm 2007, đã làm không ít người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan điêu đứng. Trong đó, 70 lao động từng làm việc ở doanh nghiệp này không được chốt sổ bảo hiểm xã hội để tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội ở nơi làm việc mới; một số công nhân đến tuổi nghỉ hưu không được cấp sổ hưu…
Sau thời gian dài đợi chờ nhưng vẫn không được thi hành án, nhiều người phải bỏ việc làm, cất công đi đòi nợ tại Cục Thi hành án dân sự tỉnh trong suốt 4 năm qua. 70 trường hợp mà quyền lợi bị “ngâm” không được thi hành án trong nhiều năm trời, kéo theo vô số khó khăn của mỗi gia đình trong cuộc sống hàng ngày là không thể tránh khỏi. Vấn đề khó hiểu ở đây là vì sao việc thi hành án trong khoản nợ của Công ty rượu champagne Matxcơva lại chỉ dồn vào một đầu mối là Ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam - chi nhánh Khu công nghiệp Biên Hòa, trong khi những khoản cần phải chi trả ưu tiên khác, như: thuế, bảo hiểm xã hội, lương công nhân… lại bị thi hành án bỏ “quên”?
Hiện tại, lời hứa của đơn vị có trách nhiệm trong việc thi hành án sai là cố gắng hối thúc ngân hàng chuyển trả lại 15 tỷ đồng mà thi hành án đã chuyển dư trước đó. Nhưng giả sử, ngân hàng vì một lý do nào đó chưa thể trả lại số tiền chuyển dư thì giải quyết vấn đề này ra sao? Chắc chắn người lao động lại tiếp tục phải chờ đợi trong mệt mỏi.
TẠ NGUYÊN