
Trong bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, ở phần Lời nói đầu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định nguyên tắc đảm bảo tự do dân chủ. Dân chủ chính là một trong 3 nguyên tắc cơ bản của chế độ ta. Cốt lõi trong tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh là lấy dân làm gốc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Trong bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, ở phần Lời nói đầu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định nguyên tắc đảm bảo tự do dân chủ. Dân chủ chính là một trong 3 nguyên tắc cơ bản của chế độ ta. Cốt lõi trong tư tưởng dân chủ của Hồ Chí Minh là lấy dân làm gốc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Thời điểm đó, đây là tư tưởng mới mẻ đối với một dân tộc vừa trải qua hàng trăm năm nô lệ dưới ách phong kiến, thực dân. Tư tưởng này cũng thay đổi trật tự xã hội: quan không còn là phụ mẫu, mà là đầy tớ của nhân dân.
Từ đó đến nay, dân chủ là tư tưởng cơ bản xuyên suốt quá trình cách mạng và được đưa vào Hiến pháp, các bộ luật nhằm đảm bảo quyền lợi của nhân dân. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, trong các mục tiêu xây dựng xã hội, dân chủ đã được đưa lên hàng đầu. Tất cả đã thể hiện nét đẹp trong bản chất của chế độ. Trong đó, việc thực hiện dân chủ phải được xây dựng thành thiết chế nhằm khẳng định tính cấp thiết, lâu dài; cần hiện thực hóa, cụ thể hóa trong đời sống xã hội, cụ thể là ở cơ sở.
Trong quá trình mở rộng và thực hiện quyền làm chủ nhân dân ở nước ta, Đảng và Nhà nước luôn đánh giá dân chủ cơ sở là khâu quan trọng nhất, vì đây là nơi diễn ra sự tiếp xúc, mối quan hệ nhiều mặt giữa các tầng lớp nhân dân với Đảng và chính quyền, với cán bộ công chức điều hành xử lý công việc hàng ngày. Đây cũng là nơi trình độ dân trí còn hạn chế, các thiết chế xã hội còn nặng nề, lạc hậu bởi dấu ấn sản xuất nhỏ... Vì thế, Đảng xây dựng quy chế dân chủ cơ sở nhằm đảm bảo phát huy dân chủ thật sự từ nhân dân với quy trình khung theo nguyên tắc: mọi việc đều phải được dân biết, dân bàn, dân tham gia và được hưởng lợi.
Trong 15 năm qua, quy chế này đã được thực hiện đồng bộ, rộng khắp, có kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm. Việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở không chỉ nâng cao tư tưởng, nhận thức của công chức mà còn cho cả nhân dân. Người dân ngày càng nắm rõ hơn về các quyền lợi, tham gia nhiều hơn vào các hoạt động kiểm tra, giám sát, được tác động vào các yếu tố kinh tế - xã hội, dần tạo được một không khí dân chủ và ổn định trong đời sống.
Tuy nhiên, có lúc, có nơi việc thực hiện dân chủ vẫn còn tồn tại một số nhược điểm, như: chưa đồng bộ, còn hình thức, từ đó dẫn đến tệ quan liêu, tham nhũng… Thực tế ấy cho thấy quy chế dân chủ chưa phải là “phép màu” giải quyết được tất cả các vấn đề của xã hội, mà cần được kết hợp với nhiều yếu tố khác, trong đó phải bổ sung thêm cơ chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ nhằm đánh giá, kiểm tra, giám sát những dự án liên quan đến lợi ích của người dân. Muốn vậy, hệ thống thông tin cần được minh bạch, mỗi cơ quan đều phải công khai quy trình để dân biết, tham gia, kiểm tra đóng góp ý kiến. Như vậy, quy chế dân chủ vẫn còn là hành trình hướng đến mục tiêu dân chủ. Con đường ấy nhiều hoa hồng, nhưng cũng lắm chông gai.
Thanh Thúy