Tôi có con gái 15 tuổi, từ bé cháu chỉ thích làm theo ý mình. Lớn hơn một chút, cháu thường cãi tay đôi với mẹ. Cháu gần như cả ngày dán mắt vào màn hình điện thoại thông minh. Tôi sợ con bỏ bê chuyện học hành vì năm nay là năm cuối cấp nên buộc phải ngắt wifi để cháu tập trung vào việc học.
Chị Tâm Đan mến!
Tôi có con gái 15 tuổi, từ bé cháu chỉ thích làm theo ý mình. Lớn hơn một chút, cháu thường cãi tay đôi với mẹ. Cháu gần như cả ngày dán mắt vào màn hình điện thoại thông minh. Tôi sợ con bỏ bê chuyện học hành vì năm nay là năm cuối cấp nên buộc phải ngắt wifi để cháu tập trung vào việc học. Nhưng con tôi lại chạy sang sử dụng nhờ wifi của nhà hàng xóm. Bực quá, tôi sang nói hàng xóm đừng cho cháu sử dụng nữa, họ cũng đồng ý nhưng lại bảo tôi quá khắt khe với con. Thật ra là họ không hiểu hoàn cảnh của tôi, chồng xa nhà quanh năm, mình tôi nuôi dạy con. Nhiều hôm đi làm về mệt rã rời thấy con gái chỉ mải mê chơi Facebook tôi giận quá nên la mắng, 2 mẹ con lại cãi nhau. Giờ không biết cư xử với đứa con bướng bỉnh như thế nào, mong chị tư vấn giúp.
Nguyễn Thị Hà (TP.Biên Hòa)
Thân gửi chị Hà!
Tôi nghĩ nếu chị muốn dẫn dắt được cô bé tuổi dậy thì “trái chứng trái nết” thì phải kiên nhẫn. Dường như chị vẫn xem con gái “bướng” của mình còn bé bỏng trong khi thật ra cháu đã lớn vì thế cháu mới hay cãi mẹ, thích làm theo ý mình.
Nhiều ông bố bà mẹ xung khắc với con chỉ do một nguyên nhân cơ bản là không hiểu con và áp đặt quan điểm của mình lên con. Chị không nên lấy quyền làm mẹ để ra lệnh cho con. Bây giờ các cháu đi học hầu hết đã có điện thoại thông minh. Việc sử dụng Facebook là trào lưu chung của cả thế giới, chúng ta khó bề ngăn cản. Thực ra, trẻ có thể học được nhiều thứ, tích lũy được nhiều kiến thức nếu biết sử dụng mạng xã hội một cách chọn lọc. Thay vì ngắt wifi chị nên trao đổi thân tình với con gái, để cháu hiểu mặt tích cực và tiêu cực của việc dùng mạng xã hội. Chị có thể hạn chế bằng cách quy định mỗi ngày cháu được phép dùng Facebook trong thời gian bao lâu, còn lại phải dành thời gian cho học hành, làm việc nhà và những hoạt động khác. Sự trao đổi, thông đạt qua lại sẽ khiến con gái chị cảm thấy mình được mẹ tin tưởng và tôn trọng. Chị chủ động nói với cháu: “Từ nay mẹ sẽ tôn trọng quyền cá nhân của con nhưng con cũng phải chứng tỏ cho mẹ thấy con có thể làm chủ được mình, biết phân chia thời gian hợp lý để không quên chuyện học hành và những việc khác. Dĩ nhiên là con cũng phải chịu sự giám sát của mẹ”. Tôi tin rằng con chị sẽ chấp nhận các yêu cầu của mẹ một cách vui vẻ. Cháu đang lớn, tâm tính chưa ổn định, dễ thay đổi vì vậy chị hãy nương theo đó mà uốn nắn con, chị nhé!
Tâm Đan