Báo Đồng Nai điện tử
En

Hòa hợp với mẹ chồng

10:06, 06/06/2018

Cháu 31 tuổi, kết hôn được gần 2 năm, chồng gốc miền Trung. Mẹ chồng cháu phụ việc đi chợ, nấu cơm, có khi giúp cháu trông hàng. Nhà có vườn rộng nên bà trồng được rau sạch, nuôi được cả heo, gà. Nhưng tính tham việc của bà cũng làm cháu mang tiếng "hành" mẹ chồng.

Thưa cô Tâm Đan!

Cháu 31 tuổi, kết hôn được gần 2 năm, chồng gốc miền Trung. Mẹ chồng cháu phụ việc đi chợ, nấu cơm, có khi giúp cháu trông hàng. Nhà có vườn rộng nên bà trồng được rau sạch, nuôi được cả heo, gà. Nhưng tính tham việc của bà cũng làm cháu mang tiếng “hành” mẹ chồng. Đã vậy lối sinh hoạt, khẩu vị, thói quen… của bà cũng không phù hợp với cháu. Mẹ chồng quá tiết kiệm, có khi chỉ vì chén nước mắm, cục xà bông mà 2 mẹ con nặng nhẹ. Khi có xích mích là chồng cháu đứng về phía mẹ, nói cháu không biết chiều mẹ chồng. Cháu cũng thấy mình quá thẳng tính như có lúc chê mẹ chồng hà tiện, nấu ăn dở. Gần đây mẹ chồng cháu nằng nặc đòi về quê. Cháu phải tìm người giúp việc để nếu bà về thật thì còn có người phụ giúp vì cháu đang mang bầu. Không ngờ mẹ chồng cho rằng con dâu không cần mình và tự ý đi mua vé tàu về quê. May mà chồng cháu phát hiện ra, năn nỉ mẹ ở lại, bà cũng chịu nhưng nói chỉ ở nửa tháng rồi về. Cháu quý mẹ chồng nhưng thật sự không biết làm sao để hòa hợp với bà.       

                  Nguyễn Diệu Lê (TP.Biên Hòa)

Thân gửi Diệu Lê!            

 Bất đồng giữa cháu và mẹ chồng là do 2 bên có sự “chỏi nhau” trong lối sống và nếp sinh hoạt. Mẹ chồng cháu có lẽ xuất thân từ vùng quê nghèo nên yêu lao động, lại tiết kiệm, căn cơ. Trong khi đó, cháu còn trẻ, thích lối sống tiện nghi, thoải mái, ít so đo tính toán. Sự khác biệt đòi hỏi cả 2 phải tích cực điều chỉnh mới có thể sống chung lâu dài. Theo cô, cháu nên ghi nhận tấm lòng của mẹ chồng.

Thật ra, những bất đồng giữa 2 mẹ con không đến mức trầm trọng, chỉ cần cháu khách quan tìm ra nguyên nhân là có thể khắc phục. Cháu còn trẻ, chưa am hiểu tâm lý người lớn tuổi nên cư xử có phần chưa khéo, làm mẹ chồng phật ý. Mẹ chồng cháu xuất thân là người lao động bình dân, vốn “tham công tiếc việc”, muốn thông qua công việc mà giúp đỡ con cái. Thêm vào đó, các bà mẹ quê thường làm lụng luôn tay vì sợ mang tiếng “ăn bám con”. Theo cô, nếu mẹ chồng làm gì chưa đúng ý cháu nên thông cảm, bỏ qua, khẩu vị không hợp thì nhân nhượng nhau để dung hòa, thích ứng dần. Sau này mẹ chồng về rồi, vợ chồng cháu tìm người giúp việc cũng không muộn.

Tóm lại, cháu nên lựa lúc 2 mẹ con cùng vui vẻ để ngồi lại tâm tình, nhận sai với mẹ chồng, sau đó tìm cách hóa giải. Mỗi người tự điều chỉnh thì sự khác biệt sẽ bớt. Chồng cháu là cầu nối giữa mẹ ruột và vợ, không nên đứng về “phe” ai mà nên dung hòa, như vậy gia đình sẽ có sự hòa hợp.

Tâm Đan  

Tin xem nhiều