Cô Tâm Đan kính mến!
Con vừa học xong lớp 11, chuẩn bị vào lớp 12. Mùa hè này bạn con lập nhóm đi du lịch, tham quan nhiều nơi; một số bạn còn ra tận vịnh Hạ Long. Con rất muốn đi cùng bạn nhưng xin đi đâu mẹ cũng không cho.
Cô Tâm Đan kính mến!
Con vừa học xong lớp 11, chuẩn bị vào lớp 12. Mùa hè này bạn con lập nhóm đi du lịch, tham quan nhiều nơi; một số bạn còn ra tận vịnh Hạ Long. Con rất muốn đi cùng bạn nhưng xin đi đâu mẹ cũng không cho. Cô biết sao không, vì mẹ chỉ có mỗi mình con, còn cha đã bỏ đi với người đàn bà khác khi con mới lên 5. Từ ngày đó, nhà chỉ còn hai mẹ con. Năm nay, mẹ 38 tuổi, có nhiều người theo đuổi nhưng mẹ không ưng ai. Mẹ sợ tái hôn, lỡ cha dượng không thương thì con sẽ khổ. Nhưng tình thương của mẹ nhiều lúc lại làm con bực bội vì mất tự do. Ở lớp, các bạn được tham gia nhiều hoạt động, được giao lưu với nhiều người, được đi nơi này nơi kia. Còn con thì luôn bị mẹ giữ chặt bên mình. Lúc nào mẹ cũng lo sợ con gặp rủi ro. Do thương mẹ nên con phải chấp nhận những yêu cầu của bà. Song lắm lúc, con cảm thấy ngạt thở, y như bị nhốt trong nhà. Con không biết phải làm sao, rất mong được cô giúp đỡ.
Nguyễn Trọng Khanh (TX. Long Khánh)
Trọng Khanh thân mến!
Cô rất hiểu tâm trạng của con. Ở tuổi mới lớn, ai chẳng muốn được mở rộng tầm mắt, được nhận thức thế giới xung quanh với vô vàn điều hấp dẫn. Nhưng con chưa được thỏa ước mơ vì là con trai một của mẹ. Những người có con một thường khó giữ được sự điềm tĩnh trong giáo dục con cái. Lúc nào họ cũng lo sợ rủi ro đến với “cục cưng” của mình. Con cũng đang là “cục cưng” duy nhất, lẽ dĩ nhiên, mẹ không thể không lo âu, bảo bọc con. Thêm vào đó, con lại đang ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, dễ làm những chuyện dại dột, nên mẹ càng không dám rời mắt khỏi con. Hẳn con cũng thấy, xã hội thời nay rất phức tạp. Hàng ngày, mỗi người phải đối diện với biết bao cám dỗ, hiểm nguy rình rập, nhất là những người trẻ. Vì vậy, chẳng riêng gì mẹ con, mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng lo lắng cho những đứa con bé bỏng của mình; chẳng người mẹ nào dám thả lỏng các con, thậm chí nhiều người trở thành “cái đuôi” của con mình. Dĩ nhiên, lớn rồi mà đi đâu mẹ cũng lò dò đi theo để… giữ con như trẻ mẫu giáo thì chẳng thú vị gì, đúng không? Theo cô, bây giờ muốn có sự thay đổi phải bắt đầu từ con chứ không phải từ mẹ. Trước tiên, con và mẹ cần thiết lập một quan hệ “tình bạn” thật gắn bó, thân thiết, đủ để hai người có thể dễ dàng cởi mở, chia sẻ nỗi lòng. Tiếp đến, lựa khi nào mẹ vui thì nói cho bà biết cảm giác “khó thở” của mình. Hãy nói với mẹ về những thiệt thòi khi lúc nào mẹ cũng kè kè giữ con ở nhà. Rõ ràng là nếu không được tham gia các hoạt động xã hội, giao lưu với bên ngoài thì con sẽ không có cơ hội tích lũy vốn sống và rèn khả năng tự chủ. Đã không có khả năng làm chủ bản thân thì suốt đời phải sống phụ thuộc vào người khác, kể cả đó là mẹ thì cũng chẳng thú vị gì. Cô tin rằng khi ấy, mẹ con sẽ hiểu và điều chỉnh cách ứng xử với con trai sao cho phù hợp.
Cô chúc con và mẹ may mắn.
Tâm Đan