Thưa cô Tâm Đan!
Con quê Phú Yên, vào Đồng Nai làm việc từ năm 2009. Đầu năm nay, vợ con bị thai hành nên con đón má từ quê vào để phụ giúp con dâu. Không ngờ tính toán của con lại sai lầm. Má con siêng năng, nhưng bà làm bất cứ việc gì, con dâu đều không hài lòng.
Thưa cô Tâm Đan!
Con quê Phú Yên, vào Đồng Nai làm việc từ năm 2009. Đầu năm nay, vợ con bị thai hành nên con đón má từ quê vào để phụ giúp con dâu. Không ngờ tính toán của con lại sai lầm. Má con siêng năng, nhưng bà làm bất cứ việc gì, con dâu đều không hài lòng. Vợ con luôn phàn nàn về khẩu vị, cách ăn uống của người miền Trung không phù hợp. Má con nghe vậy rất buồn. Phía bên nhà vợ có kinh tế, nên từ nhỏ cô ấy đã quen xài sang, không thích cái gì thì dù còn tốt cũng bỏ. Thấy vậy, má con không vui, cho là xài hoang, không biết thu vén. Hôm rồi đi làm về, con thấy má buồn giận bỏ cơm. Nguyên do là vợ con nói má vào chơi thì nghỉ ngơi cho khỏe, đừng tham công tiếc việc, vì cô ấy đang tìm “ôsin”. Thế là má con cho rằng con dâu coi thường mẹ chồng, nằng nặc đòi về quê. Giờ con không biết phải xử lý thế nào, mong cô giúp.
Nguyễn Trí Đức
Thân gửi Trí Đức!
Cô cho rằng bất đồng giữa vợ con với má chồng nảy sinh, do hai bên có sự khác biệt về lối sống và nếp sinh hoạt. Má con quen kham khổ, tiết kiệm. Bà lại xuất thân từ ruộng đồng nên yêu lao động, thích làm việc nhà để đỡ đần con cái là điều dễ hiểu. Vợ con là người của thời hiện đại, quen lối sống tiện nghi, thoải mái về vật chất. Tuy nhiên theo cô, là dâu thảo hiền thì vợ con nên ghi nhận tấm lòng của má chồng.
Con đang giữ vai trò trung gian, cầu nối giữa má và vợ. Chính vì vậy, cách cư xử khéo léo của con sẽ góp phần kéo họ xích lại gần nhau, nếu không lại đẩy họ xa nhau hơn. Theo cô thì con không nên đứng về “phe” nào mà nên giữ thái độ trung lập. Những bất đồng giữa vợ và má con nên khách quan tìm hiểu, phân tích, tìm ra nguyên nhân để khắc phục. Nàng dâu không muốn má chồng làm việc nhà, có thể vì ngại mang tiếng với hàng xóm, hoặc do cách làm của má trái với thói quen thường ngày trong nhà nên vợ con buồn bực. Thật ra, cô thấy vợ con cũng chưa đến nỗi thất lễ với má chồng. Cô ấy chỉ hơi vụng nói, lại chưa am hiểu tâm lý người lớn tuổi. Con nên góp ý cho vợ biết rằng má con xuất thân là người lao động bình dân, vốn “tham công tiếc việc”, chỉ nhằm giúp đỡ con cái. Ngoài ra, nhờ làm việc mà bà không mặc cảm là “người thừa”. Má có thể làm chưa đúng ý, các con cần thông cảm, bỏ qua. Hai vợ chồng nên chủ động gần gũi, thân thiện, để bà đỡ tủi thân. Khẩu vị không hợp thì hai bên nhân nhượng nhau một chút nhằm dung hòa, thích ứng dần. Sau này má về rồi, vợ chồng có muốn tìm người giúp việc cũng không muộn.
Tóm lại, con nên lựa lúc cả ba người vui vẻ cùng ngồi lại, chỉ ra những việc chưa đúng rồi tìm cách hóa giải. Mỗi người tự điều chỉnh một chút thì sự khác biệt sẽ bớt nhiều.
Chúc gia đình con hạnh phúc.
Tâm Đan