Báo Đồng Nai điện tử
En

Nên khuyên như thế nào?

10:02, 02/02/2012

Thưa chị Tâm Đan!

Con gái tôi lập gia đình năm 2006, tới năm 2008 con rể tôi được bổ nhiệm lãnh đạo và chuyển lên làm việc ở TP. Hồ Chí Minh (Trước đây cháu làm việc ở Nhơn Trạch, Đồng Nai). Lúc đầu hai vợ chồng rất phấn khởi. Nhưng dần dà mâu thuẫn phát sinh vì con rể tôi thường nhậu nhẹt, đi sớm, về trễ...

Thưa chị Tâm Đan!

Con gái tôi lập gia đình năm 2006, tới năm 2008 con rể tôi được bổ nhiệm lãnh đạo và chuyển lên làm việc ở TP. Hồ Chí Minh (Trước đây cháu làm việc ở Nhơn Trạch, Đồng Nai). Lúc đầu hai vợ chồng rất phấn khởi. Nhưng dần dà mâu thuẫn phát sinh vì con rể tôi thường nhậu nhẹt, đi sớm, về trễ... Mới đây con tôi nói chồng nó quan hệ với một cô bạn đồng nghiệp. Vợ chồng bất hòa, cãi nhau triền miên. Con gái tôi yêu chồng quý con, lại đảm đang, mọi việc trong nhà nó cáng đáng hết. Tôi đã khuyên bảo con nhiều lần, nó nhất định đòi ly dị và giành quyền nuôi con. Tôi là người mẹ đơn thân nuôi con một mình nên rất hiểu thiếu người đàn ông gia đình sẽ lâm vào cảnh khổ  như thế nào. Hơn nữa, tôi thương hai đứa cháu còn quá nhỏ dại. Vì nghĩ đến hoàn cảnh của con mà tôi khuyên nó chỉ nên ly thân, không nên ly dị để các cháu còn được tiếp xúc hàng ngày với cha. Không biết tôi khuyên con như thế có đúng không, hay là cứ để cho chúng ly dị? Mong chị giúp tôi.

Thân Bích Hà - NT

Thân gửi chị Bích Hà

Mâu thuẫn trong gia đình con gái chị không phát sinh do con rể chị được bổ nhiệm lãnh đạo mà do anh ta thiếu bản lĩnh, không làm chủ được bản thân, dễ bị nhiễm những thói tật mà người đời hay mắc phải. Tuy nhiên, con gái chị cần tìm hiểu xem chồng có bạn gái thật không? Nếu có thì nguyên nhân do đâu? Có thể trong gia đình chỉ một người “xé rào” nhưng trách nhiệm vẫn thuộc về cả hai. Con gái chị nhiều ưu điểm, nhưng có thể cô quá ghen, thiếu kiên nhẫn và “bé xé ra to”, làm cho mâu thuẫn gia đình lẽ ra có thể hàn gắn được thì lại thành trầm trọng.

Dân gian có câu ”giận mất khôn”. Chị nên khuyên con gái đừng vội quyết định khi đang tức giận. Đời sống hôn nhân vốn nhiều thử thách, mỗi cặp vợ chồng cần biết cách vượt qua giai đoạn khó khăn. Nhiều cặp mới hơi bất hòa là đã nghĩ tới chuyện ly hôn. Họ cho rằng khi vợ chồng không còn hòa hợp với nhau về quan điểm, lối sống, sở thích... thì tốt nhất là” đường ai nấy đi” cho. . . khỏe! Nếu cứ sống chung với nhau sẽ làm cho mâu thuẫn ngày càng nặng, tình cảm thêm nguội lạnh, có khi lại trở nên thù hận, ghét bỏ nhau. Ly hôn sẽ giúp mỗi người được sống đúng với bản thân không phải chịu cảnh “đánh mất” mình. Nhưng chị hãy cảnh báo cho con gái hiểu ly hôn là không còn cơ hội “vãn hồi”, gia đình tan vỡ, con cái mất đi điểm tựa.

Ly thân so với ly hôn thì ly thân có vẻ nhẹ nhàng hơn, ít tác hại hơn. Ngoài ra, trong quá trình “tạm đình chỉ” hôn nhân, người ta có dịp soi rọi bản thân, cảm nhận, đánh giá lại quan hệ vợ chồng. Nhiều người sau thời gian ly thân lại “ huề” vì thấy không thể thiếu nhau, hoặc nhận ra phần lỗi của mình. Chị nên căn cứ vào mức độ mâu thuẫn và thiện chí của con gái và chàng rể mà đưa ra lời khuyên. Tốt nhất vẫn là nhường nhịn, “chín bỏ làm mười” để giữ lấy gia đình hạnh phúc, tình thương cho con cái.

Tâm Đan

 

Tin xem nhiều