Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi “sếp” là người khó ưa

08:02, 16/02/2012

Thưa cô Tâm Đan!

Cháu tên Hưng, đang làm việc ở khu công nghiệp Biên Hòa. Trước đây cháu làm việc ở Bình Dương, đã tích lũy được một số kinh nghiệm nên về công ty mới, cháu vẫn làm tốt nhiệm vụ....

Thưa cô Tâm Đan!

Cháu tên Hưng, đang làm việc ở khu công nghiệp Biên Hòa. Trước đây cháu làm việc ở Bình Dương, đã tích lũy được một số kinh nghiệm nên về công ty mới, cháu vẫn làm tốt nhiệm vụ. Nhưng trong công ty, sếp trực tiếp của cháu rất khó ưa. Cháu hay bị anh ta xử ép. Bình thường cháu vẫn im lặng, tránh đụng độ với anh ta. Nhưng mới đây, anh ta nói sẽ đưa cháu xuống làm việc ở bộ phận trực tiếp sản xuất, làm cháu rất bất bình. Dù sao cháu cũng có bằng đại học quản trị kinh doanh, không thể bắt cháu làm việc như công nhân được. Đồng nghiệp của cháu người bảo anh ta làm vậy là không nên, người thì khuyên cháu cứ chấp nhận rồi tìm cách cải thiện tình hình. Đầu tháng 3 này, cháu phải làm việc ở bộ phận mới rồi. Nếu không chấp nhận thì cháu phải đi tìm việc nơi khác. Đi thì cháu  hơi tiếc vì ở đây điều kiện làm việc và thu nhập cũng khá. Mong được tham khảo ý kiến của cô. 

                     Nguyễn Tiến Hưng - CTM

Cháu Hưng thân mến

 Làm việc dưới quyền một người mà mình không thích thì cũng bất tiện thật. Nhưng chúng ta không thể chọn đồng nghiệp làm chung, càng không thể chọn “sếp” theo ý mình.

Không biết rõ hiện nay công việc cụ thể của cháu là gì? Cháu bảo đã tích lũy được một số kinh nghiệm khi làm việc ở Bình Dương nên về đây vẫn làm tốt nhiệm vụ. Nhưng cháu có chủ quan không? Cô thấy nhiều bạn trẻ học quản trị kinh doanh, về công ty làm thầy không được, làm thợ không xong. Vậy mà họ không thấy được thực lực của mình. Có người cứ khăng khăng đòi công ty ít ra cũng phải xếp mình vào vị trí lãnh đạo bộ phận, không được thì xoay ra thắc mắc, bất mãn.

Theo cô, hầu hết công việc đều đòi hỏi phải có tinh thần đồng đội và khả năng hoạt động nhóm tốt. Đây là điểm yếu của lao động Việt Nam. Ở công ty cháu, điều kiện làm việc và thu nhập khá ổn, vậy thì xin chuyển đi nơi khác làm gì? Sao không cải thiện quan hệ giữa cháu và sếp cho tốt hơn? Thái độ im lặng, mạnh ai nấy làm thường không giải quyết được mâu thuẫn. Cháu cần học cách mềm dẻo trong ứng xử để làm việc dưới quyền vị sếp “khó ưa”. Trước tiên, hãy khách quan đánh giá năng lực của mình, nếu chưa ổn thì cố gắng trau dồi thêm. Tinh thần sẵn sàng nhận nhiệm vụ và thích ứng nhanh với những đổi mới công nghệ được nhiều công ty coi là tiêu chí quan trọng khi sử dụng nhân viên. Cháu đừng quá đề cao tấm bằng đại học, coi nó là cái phao cứu sinh. Hơn nữa, chuyện luân chuyển nhân sự cũng là bình thường để nhân viên được thử sức ở những vị trí khác nhau.  Biết đâu sau một thời gian hoạt động thực tiễn, cháu lại tìm ra những giải pháp hợp lý như: tăng năng suất lao động, tiết kiệm vật tư, nguyên liệu... Lúc đó chẳng cứ là sếp mà cả công ty đều ghi nhận khả năng của cháu đấy.

Chúc cháu thành công.

Tâm Đan

 

Tin xem nhiều