Báo Đồng Nai điện tử
En

''Kéo'' doanh nghiệp về với nông thôn

09:07, 06/07/2020

Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 107/2020/QH14 về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2025. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021.

Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 107/2020/QH14 về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2025. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021. Đây được coi là quyết sách thể hiện chủ trương tiếp tục hiện thực hóa những thành quả mà nền nông nghiệp đạt được trong những năm qua, trong đó có một phần nhờ công tác miễn thuế đất.

Thực tế, đây là chính sách nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Việc khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế là nhiệm vụ rất quan trọng. Bên cạnh đó, thu hút đầu tư vào nông nghiệp còn tạo công ăn việc làm cho khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập và đời sống người nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới...Và việc miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp chính là một trong những giải pháp để “kéo” doanh nghiệp (DN) quan tâm tới khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Những năm qua, nhờ nỗ lực thu hút đầu tư vào nông nghiệp, khuyến khích người dân đổi mới sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng nền nông nghiệp nên Việt Nam đạt được những thành quả đáng khích lệ. Việt Nam trở thành một trong số những “cường quốc” về xuất khẩu một số loại nông sản trên thế giới. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, nền nông nghiệp nước ta vẫn thuộc khu vực có tốc độ phát triển chậm so với các khu vực khác. Sản xuất nông nghiệp còn mang tính chất của một nền sản xuất nhỏ, manh mún, thu nhập từ nông nghiệp thấp, đời sống người nông dân còn nhiều khó khăn. Điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” và những biến động khác khiến cho công việc “giải cứu” thường phải diễn ra.

Theo tính toán, khi tiếp tục áp dụng miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, ngân sách nhà nước sẽ thất thu khoảng 7.500 tỷ đồng/năm.

Nếu chỉ tính toán trên con số thì trong vòng 5 năm tới, ngân sách sẽ thất thu khoảng vài chục ngàn tỷ đồng, song chính sách này mang lại lợi ích rất lớn cho khu vực nông nghiệp. Không chỉ được kỳ vọng có thêm nhiều DN mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp mà chính sách này còn thể hiện sự tin tưởng của người dân vào mục tiêu mà Chính phủ hướng tới: xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa có sức cạnh tranh cao. Việc giảm nguồn thu nói trên không có nghĩa là ngân sách bị ảnh hưởng, bởi sản xuất nông nghiệp hàng hóa phát triển sẽ tự động tạo thêm các nguồn thu khác lớn hơn cho Nhà nước, từ đó đầu tư trở lại nông nghiệp.

Ở góc độ địa phương, Đồng Nai là địa phương có ngành nông nghiệp đứng đầu về một số lĩnh vực như chăn nuôi, trái cây... Tỉnh đang ra sức kêu gọi DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Cùng với các chính sách chung của Nhà nước, Đồng Nai có nhiều hỗ trợ để kêu gọi, thu hút DN đầu tư sâu vào chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm cho các loại hàng hóa nông nghiệp. Miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ tiếp tục là giải pháp quan trọng, bên cạnh những giải pháp để tiếp tục hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, nông thôn.     

Văn Gia

Tin xem nhiều