Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp với vấn đề an toàn lao động

09:07, 27/07/2020

Trong quá trình sản xuất, vấn đề đảm bảo an toàn lao động có vai trò đặc biệt quan trọng, là yếu tố đầu tiên mà bất cứ một doanh nghiệp (DN) nào cũng phải tính toán đến. Việc đào tạo, huấn luyện kỹ năng an toàn lao động trong quá trình sản xuất là mối quan tâm của nhiều DN, bởi lẽ nó có tác động rất lớn đối với hiệu quả sản xuất, kinh doanh và hình ảnh, thương hiệu của công ty khi gia nhập thị trường.

Trong quá trình sản xuất, vấn đề đảm bảo an toàn lao động có vai trò đặc biệt quan trọng, là yếu tố đầu tiên mà bất cứ một doanh nghiệp (DN) nào cũng phải tính toán đến. Việc đào tạo, huấn luyện kỹ năng an toàn lao động trong quá trình sản xuất là mối quan tâm của nhiều DN, bởi lẽ nó có tác động rất lớn đối với hiệu quả sản xuất, kinh doanh và hình ảnh, thương hiệu của công ty khi gia nhập thị trường.

Giám đốc nhiều DN chia sẻ, khi làm ăn với đối tác nước ngoài, nhất là những đơn vị đến từ các nước tiên tiến thì yếu tố đảm bảo an toàn lao động, an toàn sản xuất rất được họ lưu tâm trước khi đặt vấn đề hợp tác, gia công và sản xuất sản phẩm. Dù cho năng lực sản xuất của DN có thể đạt được những sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng song đôi khi, chỉ một vài chi tiết nhỏ, gây mất an toàn trong sản xuất cũng làm mất đi lợi thế cạnh tranh và bị đối tác bỏ qua hợp đồng. Ý thức giữ vững tiêu chí đảm bảo an toàn, vệ sinh nhà xưởng sạch sẽ, không có tai nạn của người lao động vừa giúp DN giảm thiểu được chi phí không cần thiết, vừa nâng cao năng suất lao động và tăng giá trị thương hiệu trong mắt các đối tác.

Mặc dù vậy, việc đảm bảo an toàn cho người lao động không phải DN nào cũng tuân thủ nghiêm ngặt. Năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 685 vụ  tai nạn lao động, trong đó có 17 vụ gây chết người. Qua điều tra và phân tích cho thấy, tai nạn lao động xảy ra do nguyên nhân chủ yếu từ phía người sử dụng lao động chiếm 59%, do phía người lao động chiếm 21%, còn lại là một số nguyên nhân khách quan. Như vậy, bên cạnh trách nhiệm của DN thì chính bản thân người lao động trong quá trình sản xuất cũng cần phải nâng cao ý thức của mình, nó đòi hỏi một sự hợp tác từ cả 2 phía. Trách nhiệm của DN là thường xuyên đào tạo, nâng cao trình độ của công nhân lao động, cập nhật những kiến thức, kỹ năng trong quá trình sản xuất. Mặt khác, công nhân phải đặc biệt tuân thủ những vấn đề, quy định được đặt ra, bởi đây vừa là trách nhiệm với DN vừa thể hiện sự tôn trọng với công việc và chính sức khỏe, tính mạng bản thân mình. Nói cách khác, khi vấn đề an toàn và vệ sinh lao động được thực hiện hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm gánh nặng đối với xã hội.

Cùng với nỗ lực từ DN và người lao động, điều quan trọng hơn đến từ các cơ quan, ban, ngành, những đơn vị quản lý như ngành LĐ-TBXH, ngành Công thương, trong nhiệm vụ, quyền hạn của mình cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, thậm chí là phối hợp DN mở các lớp đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng của người lao động nhằm đảm bảo xây dựng một nền sản xuất sạch, an toàn. Điều đó giúp cho DN, rộng hơn là cả nền kinh tế, nâng cao được hình ảnh, sức hút từ cộng đồng quốc tế, tạo thời cơ phát triển bền vững.

Văn Gia

 

Tin xem nhiều