Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhảy múa như... tiền điện

08:06, 29/06/2020

Tiền điện tăng gấp đôi, gấp ba, thậm chí có những khách hàng có mức tiêu thụ điện năng tăng vọt nhiều lần so với tháng liền kề trước đó, thực tế ấy đang diễn ra hiện nay đối với ngành điện ở Việt Nam. Theo dõi tin tức những ngày gần đây cho thấy, tỷ lệ tiêu thụ điện của dân "nhảy múa" một cách chóng mặt.

Tiền điện tăng gấp đôi, gấp ba, thậm chí có những khách hàng có mức tiêu thụ điện năng tăng vọt nhiều lần so với tháng liền kề trước đó, thực tế ấy đang diễn ra hiện nay đối với ngành điện ở Việt Nam. Theo dõi tin tức những ngày gần đây cho thấy, tỷ lệ tiêu thụ điện của dân “nhảy múa” một cách chóng mặt. Số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy đã có hơn 3,1 triệu khách hàng (chiếm 11,92%) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4. Riêng 20 ngày đầu tháng 6-2020, con số này tăng lên 7,22 triệu khách hàng.

Hình minh họa
Hình minh họa

Điều này khiến khách hàng khắp cả nước, từ Bắc, Trung, Nam, từ hộ gia đình đến cơ quan, doanh nghiệp bức xúc và khiếu nại. Trên một số diễn đàn mạng xã hội, rất nhiều người than vãn sau khi nhận hóa đơn tiền điện đã “tái mặt” vì số tiền tăng vọt. Nhiều người cho rằng so với trước, mức dùng điện không có gì đột biến nhưng tiền điện vênh lên tới tiền triệu. Lại cũng có gia đình khẳng định, nhà để không vì bận công tác mà điện sử dụng vẫn tăng thì khá lạ.

Đối với những hộ gia đình, tổ chức có mức tiêu dùng điện tăng đột biến, gấp nhiều lần, xảy ra ở nhiều tỉnh, thành, các công ty điện lực cho rằng sự sai sót là do nhân viên ngành điện ghi nhầm, không soát lại. Nhưng, cũng lạ một điều là việc ghi nhầm chỉ có tăng, chưa thấy trường hợp nào tiền điện giảm.

Trước quá nhiều thắc mắc, khiếu nại của người dân, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương và EVN phải kiểm tra, rà soát lại tất cả những trường hợp có mức sử dụng điện tăng vọt trên 30%. Bộ Công thương cũng đã yêu cầu EVN chỉ đạo các đơn vị phân phối, bán lẻ điện giải quyết thắc mắc, khiếu nại của các khách hàng về hóa đơn tiền điện và thông báo kết quả giải quyết đến khách hàng sử dụng điện. Kết quả giải quyết này phải được đăng công khai trên website của tập đoàn và các tổng công ty điện lực.

Thực tế, với những sai sót trong việc ghi “nhầm” hóa đơn tiền điện lần này, đã có nhiều cán bộ, nhân viên ngành điện bị xử lý một cách kịp thời. Các động thái trong việc khắc phục, xử lý sai sót nhầm hóa đơn có thể nói phần nào đó mạnh tay, thấu đáo. Nhưng, như vậy là chưa đủ. Điều mà người dân, doanh nghiệp cần nhất ở đây là sự minh bạch, là giải pháp để cả người mua lẫn bên bán đều có thể theo dõi sản lượng điện tiêu thụ hằng ngày hay những đột biến nếu có.

Bộ Công thương cho hay đã xây dựng 5 phương án sửa đổi biểu giá bán điện bậc thang và sẽ lấy ý kiến rộng rãi khách hàng trong tháng 7, tháng 8 để trình Chính phủ xem xét. Nhưng liệu lời hứa này có được thực hiện kịp thời? Còn nhớ năm ngoái, cũng nhân dịp nắng nóng, hóa đơn sử dụng điện tăng, người dân cũng bức xúc, yêu cầu phải thanh tra lại cách tính giá điện. Thanh tra Chính phủ cũng đã vào cuộc, nhưng mãi cho tới nay, kết quả thanh tra vẫn chưa được minh bạch hóa cho người dân cả nước biết, giám sát. Chỉ khi thực sự minh bạch hóa, chứ không phải giải thích theo cách mỗi nơi mỗi kiểu, nhất là với một mặt hàng thuộc diện thiết yếu như điện, mới có thể mong các sự việc “ghi nhầm”, tiền điện “nhảy múa” không còn là nỗi bức xúc của người dân.

Văn Gia

Tin xem nhiều