Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong thông báo kết luận cuộc họp thường trực Chính phủ đã đồng ý đối với việc thực hiện chuyển đổi hình thức đầu tư một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và dự án Đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong thông báo kết luận cuộc họp thường trực Chính phủ đã đồng ý đối với việc thực hiện chuyển đổi hình thức đầu tư một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và dự án Đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Điểm cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sẽ giao cắt với quốc lộ 1 trên địa bàn huyện Xuân Lộc |
Theo đó, Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của Bộ GT-VT và các bộ liên quan, chuyển đổi 8 dự án Đường cao tốc Bắc - Nam, trong đó có dự án Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đang được triển khai công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh và dự án Đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ từ hình thức đầu tư đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công. Đây được cho là sự chuyển hướng cần thiết nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện với mục tiêu khởi công toàn bộ 8 dự án muộn nhất là tháng 8-2020.
Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là dự án quan trọng quốc gia bao gồm 11 dự án thành phần. Tính đến nay mới khởi công được 3 dự án theo hình thức đầu tư công. 8 dự án còn lại đầu tư theo hình thức PPP đã được Bộ GT-VT tổ chức triển khai phê duyệt thiết kế kỹ thuật và sơ tuyển nhà đầu tư. Tuy nhiên, tiến độ các dự án này vẫn chậm so với yêu cầu.
Trước thực tế đó, Bộ GT-VT đã đề xuất chuyển đổi 3 dự án có nhu cầu cấp bách (đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45; quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Phan Thiết - Dầu Giây) sang hình thức đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, sau khi làm việc với các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất với đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư đối với tất cả 8 dự án thành phần.
Trên thực tế, việc huy động nguồn vốn từ xã hội để đầu tư cả 8 dự án PPP đường cao tốc Bắc - Nam gặp rất nhiều thách thức. Ở một số dự án, tại vòng sơ tuyển trong nước đều có số lượng nhà đầu tư tham gia khá thấp. Ngoài ra, do số vốn thực hiện lớn nên kể cả khi đấu thầu thành công, rủi ro về tiến độ đối với các dự án PPP này vẫn rất lớn. Bởi nguồn vốn của các nhà đầu tư chủ yếu là vốn vay ngân hàng. Do đó, nếu nhà đầu tư không vay được vốn hoặc giải ngân từ ngân hàng bị tắc thì các dự án này sẽ đối mặt nguy cơ đổ bể.
Chính vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ các dự án trong bối cảnh hiện tại, việc chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công là cần thiết. Tất nhiên, điều này cũng sẽ gây ra một áp lực không nhỏ đối với ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu có thêm hơn 650km đường cao tốc nhằm đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội, tháo “điểm nghẽn” về kết nối giao thông thì đây là sự chuyển đổi cần thiết.
Để đảm bảo thu hồi vốn cho ngân sách nhà nước, Bộ GT-VT cũng đã đề xuất sau khi hoàn thành, các dự án này sẽ thực hiện nhượng quyền khai thác theo hình thức hợp đồng kinh doanh - quản lý.
Lê Văn