Ngày 9-4, Thủ tướng Chính phủ đã ký nghị quyết về các biện pháp và gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Gói hỗ trợ với hơn 62 ngàn tỷ đồng, khoảng 20 triệu người được thụ hưởng.
Ngày 9-4, Thủ tướng Chính phủ đã ký nghị quyết về các biện pháp và gói hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Gói hỗ trợ với hơn 62 ngàn tỷ đồng, khoảng 20 triệu người được thụ hưởng.
Một gia đình nghèo nhận quà hỗ trợ. Ảnh: TL |
Theo đó, các nhóm cụ thể bao gồm: người có công với cách mạng đang hưởng chính sách ưu đãi hằng tháng; người hưởng bảo trợ xã hội; hộ nghèo, hộ cận nghèo; người lao động theo chế độ hợp đồng phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, người lao động tự do, không có giao kết hợp đồng. Ngoài ra, người sử dụng lao động khó khăn về tài chính cũng được vay 50% tiền lương tối thiểu vùng để trả lương cho người lao động. Hộ kinh doanh cá thể thu nhập dưới 100 triệu đồng bị ngừng kinh doanh theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được hỗ trợ trong 3 tháng.
Gói hỗ trợ nói trên thực sự là một quyết định chưa có tiền lệ bởi đứng trước khó khăn chung của cả nước, các nhóm người yếu thế, thu nhập thấp bao giờ cũng bị ảnh hưởng trước tiên. Gói hỗ trợ này, chính vì vậy đang nhận được sự quan tâm, kỳ vọng và ủng hộ của người dân cả nước.
Điểm đặc biệt ở đây là hỗ trợ cho cả người lao động tự do, không có hợp đồng lao động. Nhóm này rất khó xác định cụ thể, cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị, nhất là chính quyền địa phương nơi quản lý, theo dõi, gần gũi dân cư để thực hiện hỗ trợ đúng đối tượng, bảo đảm sự công bằng xã hội.
Quyết định đã có, vấn đề quan trọng nhất là phải triển khai ngay để người dân kịp thời thụ hưởng. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là yếu tố sống còn, bởi chỉ cần chậm một nhịp, khi lao động phải bỏ việc, DN đóng cửa sẽ không thể gượng dậy lại được hoặc mất rất nhiều thời gian để có thể hồi phục. Sự hỗ trợ cấp kỳ với “tiền tươi, thóc thật” vì thế càng được mong đợi hơn bao giờ hết.
Mặc dù vậy, để triển khai một cách thuận lợi, nhanh chóng gói kinh phí với số tiền lớn, hơn 20 triệu người là một vấn đề khó khăn, khó tránh được các sai sót. Khó khăn, nhưng theo Bộ trưởng LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung, bằng mọi giá không được để những đồng tiền của người dân đi “lạc đường” như câu chuyện những đàn gà, con dê giống, căn nhà tình nghĩa đã xảy ra ở một số nơi. Đồng thời, việc triển khai hỗ trợ sẽ đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, không để chính sách bị trục lợi.
Cùng với nỗ lực của cơ quan chức năng, phải huy động trách nhiệm của chính quyền các cấp, sự giám sát của các đoàn thể để bảo đảm chính xác, công bằng, tạo sự đồng thuận cao và thực hiện đúng mục tiêu đối với các đối tượng cần hỗ trợ. Có như vậy mới đảm bảo cho tất cả mọi người dân được hỗ trợ từ chính sách, đồng thời an sinh xã hội được đảm bảo, là điều kiện để người dân, DN có thêm sức lực, vực dậy phát triển kinh doanh một khi dịch bệnh qua đi.
Văn Gia