Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn đang soạn thảo dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trồng trọt và lấy ý kiến đóng góp từ doanh nghiệp, cộng đồng trước khi trình Chính phủ ban hành. Trong đó, Bộ đề xuất xử phạt lên đến 200 triệu đồng đối với vi phạm về buôn bán phân bón.
Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn đang soạn thảo dự thảo nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trồng trọt và lấy ý kiến đóng góp từ doanh nghiệp, cộng đồng trước khi trình Chính phủ ban hành. Trong đó, Bộ đề xuất xử phạt lên đến 200 triệu đồng đối với vi phạm về buôn bán phân bón.
Công nhân đang đóng gói phân bón tại một cơ sở sản xuất ở huyện Xuân Lộc. Ảnh minh họa |
Theo đó, hành vi vi phạm về buôn bán phân bón không có trong quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hoặc phân bón hết hạn sử dụng được đề xuất mức phạt như sau: phạt cảnh cáo đối với trường hợp phân bón có giá trị dưới 1 triệu đồng; phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 80 triệu đồng tùy giá trị lô phân bón từ 1 đến dưới 200 triệu đồng.
Dự thảo cũng nêu rõ, đối với hành vi buôn bán phân bón không có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm sang cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 62 của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra hoặc quyết định đình chỉ vụ án, nếu hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính thì phạt tiền từ 90-100 triệu đồng. Số tiền xử phạt trên được áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Tổ chức vi phạm bị xử phạt gấp 2 lần cá nhân.
Như vậy buôn bán phân bón giả không chỉ bị phạt nặng về hành chính mà còn có thể phải chịu xử lý trách nhiệm hình sự.
Phân bón không đạt chất lượng hay phân bón giả không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là vấn đề đảm bảo an ninh lương thực, không chỉ làm đất đai bạc màu, mà còn tác động xấu đến môi trường, mỗi năm phân bón giả gây thiệt hại cho nền kinh tế của đất nước hàng tỷ USD. Đồng Nai là địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, đặc biệt là các loại cây trái, rau quả nhưng thời gian qua, người nông dân không ít phen lao đao vì sử dụng phải phân bón giả. Người nông dân không phân biệt được đâu là phân bón thật, đâu là phân bón giả và cuối cùng thiệt hại kinh tế lại do người nông dân gánh chịu.
Bảo vệ người nông dân cũng chính là bảo vệ cho một nền nông nghiệp phát triển bền vững. Thế nhưng, vì lợi nhuận, các gian thương đã không màng đến những thiệt hại mà người nông dân gánh chịu, hệ lụy lâu dài do phân bón giả do họ cung cấp gây ra. Hơn lúc nào hết, bây giờ cần phải có một chế tài mạnh mẽ. Thậm chí, mức xử phạt có thể cần phải cao hơn cả mức mà Bộ đang đề xuất.
Và việc ngăn chặn phân bón giả xuất hiện trên thị trường không những là trách nhiệm của ngành chức năng mà còn cần có sự phối hợp của cả đơn vị sản xuất. Nhiệm vụ của các ngành chức năng có liên quan cần vào cuộc một cách mạnh mẽ, xử lý nghiêm minh, để xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững trong thời kỳ kinh tế hội nhập.
Văn Gia