Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần được minh bạch thông tin

10:11, 07/11/2016

Tính đến nay, đã hơn 5 năm từ khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực (luật đã được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 8 tháng 11-2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày đầu tháng 7-2011).

Tính đến nay, đã hơn 5 năm từ khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực (luật đã được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 8 tháng 11-2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày đầu tháng 7-2011). Chưa một khảo sát hay nghiên cứu nào ghi nhận mức độ phổ biến và hiệu quả của luật này đến đâu, tuy nhiên thực tế dễ thấy là chưa có nhiều vụ kiện mà người tiêu dùng đóng vai trò nguyên đơn.

Đầu tiên, có lẽ do tâm lý người Việt rất ngại “đáo tụng đình”, ngại lên tiếng đòi hỏi và bảo vệ quyền lợi của mình, đặc biệt trong những tình huống không quá nghiêm trọng như tiêu dùng một món hàng hay sử dụng một dịch vụ nào đó. Thêm vào đó, mặc dù luật đã có song sự đơn giản, tiện lợi và phổ biến trong thực thi luật cũng chưa rõ ràng. Được trích dẫn lại trên nhiều phương tiện truyền thông, kết quả cuộc khảo sát trực tuyến với hơn 1.200 người do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) công bố tại hội thảo “Quyền được thông tin của người tiêu dùng - thực trạng và giải pháp” tổ chức hồi tháng 3-2015 tại Hà Nội, cho thấy gần 90% số người cho biết không biết đến các cơ quan, hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (nguồn: Saigontimes).

Có nhiều ý kiến tiêu cực về Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (có hẳn một tờ báo riêng và nhiều chi hội tại khắp các tỉnh, thành cả nước), đặc biệt sau nhiều vụ việc quyền lợi người tiêu dùng bị xâm phạm trên diện rộng. Điển hình, vụ nước mắm nhiễm asen vừa qua hoặc các nhà mạng di động trừ phí vô tội vạ bằng cách khôn khéo mời gọi người dùng tham gia vào các dịch vụ mà bản thân họ còn không biết mình đã tham gia. Theo đó, Hội chưa từng chủ động đứng ra bảo vệ quyền lợi hoặc ít nhất công bố những thông tin đáng tin cậy cho hàng chục triệu người tiêu dùng cả nước theo đúng chức năng “bảo vệ”. Có lẽ hiểu được điều này, nên không nhiều người tiêu dùng trông chờ vào Hội khi phát sinh vấn đề.

Tuy vậy, người tiêu dùng vẫn luôn có một quyền “tối thượng” trong lĩnh vực mua sắm hàng hóa và sử dụng dịch vụ, là quyền tẩy chay sản phẩm - dịch vụ họ không tin tưởng. Họ có quyền chọn lựa sản phẩm khác đáng tin hơn để bỏ tiền vào. Vấn đề là thông tin. Trong rất nhiều vụ việc, người tiêu dùng bị hỗn loạn giữa một rừng thông tin, từ báo chí chính thống đến các trang mạng xã hội, với hàng ngàn tranh luận bất tận về đúng - sai, lợi - hại. Không có nhiều trường hợp những cơ quan có trách nhiệm kiểm tra, kiểm nghiệm và công bố thông tin làm kịp thời chức năng thông tin của mình. Chẳng hạn, các vụ việc về chất độc, chất cấm trong thực phẩm, Bộ Y tế và các bộ liên quan cần nhanh chóng kiểm tra và công bố kết quả để tránh gây hoang mang cho người tiêu dùng lẫn nhà sản xuất. Ngoài ra, chỉ nên chọn một số đầu mối công bố các thông tin chính thống một cách rộng rãi, kịp thời, chính xác, dễ hiểu. Lâu dần, có thể hình thành một cơ quan “phản ứng nhanh” với các tình huống phát sinh trong xã hội tiêu dùng. Chẳng hạn như vụ nước mắm nhiễm asen vừa qua, để phân định rạch ròi đúng - sai, tránh gây hoang mang cho người dùng và xa hơn, để giúp những nhà sản xuất chân chính không bị phá sản vì những loại thông tin một chiều chưa được kiểm chứng.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều