Vào tháng 7-2016, TS.Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường đại học FPT, đã công bố thứ hạng điểm trung bình điểm thi THPT quốc gia năm 2016 của các tỉnh, thành trên cả nước.
Vào tháng 7-2016, TS.Đàm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường đại học FPT, đã công bố thứ hạng điểm trung bình điểm thi THPT quốc gia năm 2016 của các tỉnh, thành trên cả nước. Theo kết quả này, Đồng Nai là địa phương đứng hạng chót trong số 63 tỉnh, thành, đồng nghĩa với việc điểm thi THPT trung bình của học sinh Đồng Nai thấp nhất nước.
Mới đây nhất, trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2016-2017, toàn tỉnh có gần 60% bài thi môn Toán, gần 50% bài thi môn Ngữ văn và hơn 52% bài thi môn Tiếng Anh có điểm thi dưới 5. Tổng số bài thi có điểm số nhỏ hơn hoặc bằng 1 có 2.905 bài (riêng bài thi 0 điểm là 1.194 bài).
Đây mới chỉ là con số thống kê của một cá nhân từ kỳ thi THPT quốc gia và qua kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, chưa phải là con số tổng quan của cả ngành GD-ĐT. Tuy nhiên, nhìn vào những con số này cũng có thể thấy được một phần nào đó chất lượng GD-ĐT của Đồng Nai - địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nhưng đang thiếu hụt trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng.
Xét về mặt tỷ lệ từ những con số, có thể khẳng định đây là sự tụt hậu về chất lượng so với kết quả trước đó. Bởi trong thực tế, Đồng Nai là địa phương đã nhiều lần giành những thứ hạng cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT hàng năm cũng vào loại khá của cả nước.
Đã có nhiều lý giải cho kết quả tụt hậu này, như việc ngành giáo dục đang đẩy mạnh đổi mới toàn diện công tác dạy và học theo hướng thực chất, không chạy theo thành tích nên ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng thi cử; hay đây chưa phải là những con số đại diện cho tất cả các cấp học nên việc đánh giá còn chưa chính xác, khách quan. Thậm chí, nguyên nhân về quá tải học sinh, điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo cho việc dạy và học cũng đã được nhắc tới. Vậy, phải chăng kết quả mà ngành GD-ĐT Đồng Nai đạt được trước kia là do căn bệnh thành tích? Và tại sao tỷ lệ học sinh khá, giỏi hàng năm ở các trường tiểu học, THCS, THPT luôn cao chót vót nhưng kết quả thi cử lại thấp?
Tại nhiều cuộc họp quan trọng của Tỉnh ủy, câu chuyện về chất lượng giáo dục luôn nóng và nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh. Trong đó, không chỉ là chất lượng giáo dục phổ thông mà ngay cả công tác phân luồng, hướng nghiệp, đào tạo nghề… cũng thường xuyên được nhắc nhở, yêu cầu rà soát, thực hiện chặt chẽ và phải có những giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng dạy và học. Lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị các đơn vị liên quan phải nhìn thẳng vào sự thật để có sự đánh giá khách quan, từ đó có hướng khắc phục nhằm nâng cao chất lượng đào tạo một cách thực chất, hiệu quả.
Để có được nguồn nhân lực chất lượng cao phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó một yếu tố không thể thiếu chính là chất lượng đào tạo từ bậc phổ thông. Vẫn biết chưa thể đánh giá chất lượng chỉ qua một vài con số, nhưng những con số ấy là cơ sở để biết rằng chất lượng dạy và học đang ở đâu và tiềm ẩn những nguy cơ gì.
Minh Ngọc