Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm "lớn" từ chuyện nhỏ

10:08, 29/08/2016

Không phải bàn cãi nhiều về cái gọi là "thế khó" của hàng Việt Nam ở thời điểm hiện tại, khi quá nhiều kệ hàng từ chợ truyền thống đến siêu thị đang được thay dần bằng hàng ngoại một cách âm thầm.

Không phải bàn cãi nhiều về cái gọi là “thế khó” của hàng Việt Nam ở thời điểm hiện tại, khi quá nhiều kệ hàng từ chợ truyền thống đến siêu thị đang được thay dần bằng hàng ngoại một cách âm thầm. Mặc dù các nhà bán lẻ trong và ngoài nước vẫn đang công bố một con số đẹp về tỷ lệ hàng Việt Nam trên các quầy kệ của mình: từ 80-90% hàng Việt, song cần phân biệt rõ đó là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam nhưng vẫn mang thương hiệu ngoại. Tuy nhiên, ngay cả là hàng thương hiệu ngoại sản xuất trong nước cũng đang vấp phải nhiều khó khăn khi thông qua các hiệp định thương mại tự do, hàng ngoại 100% từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia... cũng đang ùa vào cạnh tranh dữ dội.

Trong muôn ngàn yếu tố thu hút người tiêu dùng mua hàng Việt, như: khẩu vị, chất lượng, mẫu mã… thì tính tiện dụng của bao bì cũng là điều đáng lưu tâm, bởi thể hiện sự thấu hiểu người tiêu dùng mà một nhà sản xuất có con mắt tinh tế không thể bỏ qua. Quan sát cho thấy, so với hàng ngoại, hàng liên doanh do các tập đoàn đa quốc gia sản xuất thì tính tiện dụng của hàng tiêu dùng thương hiệu Việt vẫn chưa bằng. Đơn cử, theo nhiều gia đình thường xuyên dùng các mặt hàng thực phẩm do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, như: dầu ăn, nước mắm, gia vị…, chất lượng và khẩu vị thì tốt, nhưng trong nhiều trường hợp bao bì sản phẩm rất khó mở. Chẳng hạn, các chai dầu ăn, nước mắm, nước tương... do hàng trong nước sản xuất thường làm nút bảo quản bằng một vành nhựa trắng, khi giật lên sử dụng, nắp thường xuyên bị đứt, phải dùng mũi dao nạy lên hoặc khoét lỗ khá phức tạp, đôi khi gây nguy hiểm.

Nhiều khi việc lựa chọn hàng hóa nội hay ngoại phụ thuộc khá nhiều vào tính tiện dụng. Đơn cử là mặt hàng đồ hộp của nhiều thương hiệu nội - ngoại đang bán trên thị trường. Các loại cá hộp, thịt hộp, pa tê đóng hộp... của Thái Lan hay hàng nhập từ Nhật Bản, Mỹ, châu Âu... tuy có giá cao hơn song được nhiều người chọn mua vì một chi tiết rất nhỏ là nắp giật trên sản phẩm rất tiện dụng, chỉ cần giật nhẹ là mở được hộp, trong khi sản phẩm của nhiều doanh nghiệp Việt Nam lại chưa làm được điều này, trừ một vài doanh nghiệp lớn. Theo đó, muốn mở hộp, người tiêu dùng phải dùng dao đục trực tiếp vào lớp kim loại của sản phẩm, rất bất tiện.

Không phải doanh nghiệp Việt Nam không nhận thức rõ điều này, nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết “lực bất tòng tâm” bởi chi phí dành cho bao bì “xịn” chiếm không nhỏ trong giá thành sản xuất. Khi sản lượng hàng bán ra còn ít, thị trường chưa rộng, quy mô chưa lớn, họ không dám chi tiêu quá nhiều cho khâu này, chưa kể những yếu kém về mặt công nghệ của khâu làm bao bì trong nước mà đôi khi có tiền cũng chưa chắc đã giải quyết được. Giám đốc một doanh nghiệp ngành thực phẩm tại Đồng Nai cho biết thị trường càng cạnh tranh, càng cần phải có quan sát tinh tế hơn về sản phẩm, thấu hiểu người tiêu dùng hơn mà tính tiện ích trong bao bì là một ví dụ quan trọng, tuy nhiên cần phải có thời gian để đầu tư và cải thiện dần dần.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều