Báo Đồng Nai điện tử
En

Loay hoay đến bao giờ?

10:07, 11/07/2016

Các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam đang sản xuất trong ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc trở thành nhà cung cấp hàng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam đang sản xuất trong ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc trở thành nhà cung cấp hàng cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, nhu cầu về sản phẩm hỗ trợ của các doanh nghiệp ngoại lại rất lớn.

Việc 2 khối doanh nghiệp này vẫn chưa gặp được nhau cũng là điểm khó khăn để doanh nghiệp nhỏ Việt Nam phát triển mạnh ngành công nghiệp phụ trợ. Giám đốc một công ty khá lâu năm trong ngành hỗ trợ tại TP.Biên Hòa chia sẻ, để thành nhà cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp nước ngoài không hề đơn giản. Ngoài việc kiểm tra chất lượng sản phẩm thì doanh nghiệp phải qua nhiều lần kiểm tra năng lực, điều kiện sản xuất rồi mới ký hợp đồng. Nhưng hiện nay không có mấy doanh nghiệp phụ trợ trong ngành điện tử của tỉnh có thể cung cấp trực tiếp sản phẩm cho các tập đoàn sản xuất nước ngoài.

Chủ một doanh nghiệp khác cũng cho rằng, việc tiếp cận đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là rất khó, bởi họ có hệ thống cung cấp sản phẩm riêng. “Tôi nhiều lần thử chào hàng vào các doanh nghiệp này và đều thất bại, họ cho biết là có nguồn cung từ chính quốc gia của họ để đảm bảo kế hoạch sản xuất. Có một doanh nghiệp đồng ý sử dụng sản phẩm nhưng yêu cầu cung cấp số lượng hàng lớn lại không thường xuyên nên tôi phải từ chối” - ông Tiến nói. Sản xuất dụng cụ cơ khí cho ngành chế biến gỗ, một ngành rất mạnh ở Đồng Nai, đặc biệt đối với các nhà đầu tư nước ngoài nhưng ông Tiến đến nay vẫn ngậm ngùi đứng nhìn và chỉ cung cấp hàng cho các nhà chế biến gỗ trong nước.

Ở một lĩnh vực cơ khí chính xác khác, ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Nguyên Toàn Phát (phường Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) chuyên sản xuất khuôn cho các ngành nhựa, giày dép cũng cho hay, sản phẩm của công ty chủ yếu cung cấp cho doanh nghiệp trong nước, chưa chen chân vào được công ty nước ngoài do nhu cầu quá lớn, vượt khả năng cung cấp.

Ông Đặng Văn Điềm, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai, phân tích dù sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhưng doanh nghiệp cần nguồn vốn khá lớn bởi liên quan đến sắm máy móc. “Doanh nghiệp nhỏ vốn rất ít, cố gắng sắm được 1-2 chiếc máy là hết vốn, trong khi đó làm ăn với doanh nghiệp FDI đòi hỏi đáp ứng lượng hàng lớn nên thường doanh nghiệp phụ trợ trong nước không đủ năng lực” - ông Điềm nói. Không chỉ vậy, một số quốc gia các doanh nghiệp có truyền thống ủng hộ sản phẩm của nhau nên cũng có khó khăn hơn trong việc tiếp cận nếu sản phẩm không thực sự cạnh tranh. Theo số liệu của Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có gần 260 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Đây là lĩnh vực đang được tỉnh ưu tiên mời gọi đầu tư nhằm tăng giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng trong sản xuất. Tuy nhiên đến nay, các doanh nghiệp phụ trợ trong nước rất ít tham gia vào được các chuỗi cung ứng sản xuất của các tập đoàn do doanh nghiệp trong nước quy mô sản xuất nhỏ, máy móc lạc hậu  không đáp ứng được các yêu cầu. Đây cũng là thách thức cho việc phát triển ngành công nghiệp này. Theo nhiều chuyên gia, để các doanh nghiệp Việt Nam có thể phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ cần có sự hỗ trợ tích cực hơn, đặc biệt về vốn.

Quốc Khánh

 

Tin xem nhiều