Báo Đồng Nai điện tử
En

Một tiền lệ tốt

09:08, 27/08/2013

Trang thông tin điện tử của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) ngày 26-8 cho biết, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã ký Quyết định 5987/QĐ-BCT áp dụng biện pháp tự vệ chính thức cho các sản phẩm dầu nành tinh luyện, dầu cọ tinh luyện với  4 mã khác nhau nhập khẩu vào Việt Nam từ nhiều nước và vùng lãnh thổ.

Trang thông tin điện tử của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) ngày 26-8 cho biết, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã ký Quyết định 5987/QĐ-BCT áp dụng biện pháp tự vệ chính thức cho các sản phẩm dầu nành tinh luyện, dầu cọ tinh luyện với  4 mã khác nhau nhập khẩu vào Việt Nam từ nhiều nước và vùng lãnh thổ. Thời gian áp thuế từ 5-2013 đến năm 2017 với mức thuế từ 2-5% tùy mã sản phẩm.

Quyết định này, theo đánh giá, có thể mở đầu cho một giai đoạn mà hàng hóa Việt Nam không phải lúc nào cũng nằm ở thế yếu trước hàng ngoại, dù là ở thị trường trong nước. Người ta đã quá quen với việc hàng Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá ở nhiều thị trường, như: Mỹ, châu Âu với nhiều mặt hàng, như: tôm, cá basa, giày da… Vì vậy, quyết định lần đầu tiên được ban hành này là một quyết định đáng chú ý và tạo được động lực tốt trong việc thúc đẩy doanh nghiệp mạnh dạn liên kết bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước trước sự “tấn công” ào ạt của hàng ngoại, đặc biệt trong bối cảnh sức mua chung suy giảm.

Theo đó, quá trình điều tra cho thấy, lượng tiêu thụ mặt hàng dầu thực vật tinh luyện tại Việt Nam tăng liên tục trong vòng 4 năm. Cụ thể, lượng dầu tiêu thụ của năm 2012 đã tăng 28% so với năm 2009.  Ngược lại với xu hướng tăng trưởng chung của thị trường, lượng bán hàng của doanh nghiệp sản xuất dầu ăn trong nước đã suy giảm nghiêm trọng, khiến thị phần của ngành sản xuất trong nước giảm từ 52% (năm 2009) xuống còn 27% (năm 2012). Trong khi đó, Tổng cục Hải quan cho biết, lượng dầu ăn nhập khẩu đã tăng từ 269 ngàn tấn trong năm 2009 lên 568 ngàn tấn ở năm 2012 và thị phần cũng tăng tương ứng, từ mức 48% (năm 2009) lên 73% (năm 2012).

Cũng theo Cục Quản lý cạnh tranh, điều tra này bắt nguồn từ việc Tổng công ty công nghiệp dầu thực vật Việt Nam (Vicarimex) nộp đơn xin áp dụng các biện pháp tự vệ tạm thời với dầu ăn nhập khẩu, nhận được ủng hộ của các doanh nghiệp khác, như: Công ty cổ phần dầu thực vật Tường An, Công ty TNHH dầu thực vật Cái Lân, Công ty dầu ăn Golden Hope Nhà Bè… Theo đó, dầu ăn xuất xứ từ các nước, như: Malaysia, Singapore, Indonesia, Thái Lan... tràn ngập trên thị trường Việt Nam với giá rất rẻ, gây khó khăn cho sản xuất trong nước và những nguy cơ về cạnh tranh thiếu lành mạnh.

Chưa thể biết rằng, với mức thuế từ 2-5%, dầu ăn nhập khẩu có tiếp tục trụ vững thị phần tại Việt Nam và gây sóng gió cho ngành sản xuất dầu ăn trong nước nữa hay không, song động thái nghiêm túc này đã tạo ra một tiền lệ tốt cho những mặt hàng khác đang bị cạnh tranh quyết liệt bởi hàng nhập khẩu ở thị trường trong nước, như: thép, kính, sành sứ, thực phẩm…

Kim Ngân

 

Tin xem nhiều