Thông tin gây rúng động thị trường trong 2 tuần qua là việc hãng sữa lớn nhất NewZealand Fonterra tuyên bố 3 lô sản phẩm sữa protein cô đặc sản xuất hồi tháng 5-2012 đã bị nhiễm loại khuẩn cực độc Clostridium Botulinum.
Thông tin gây rúng động thị trường trong 2 tuần qua là việc hãng sữa lớn nhất NewZealand Fonterra tuyên bố 3 lô sản phẩm sữa protein cô đặc sản xuất hồi tháng 5-2012 đã bị nhiễm loại khuẩn cực độc Clostridium Botulinum. Loại khuẩn này có thể gây ngộ độc thần kinh, liệt cơ, thậm chí dẫn đến tử vong. Điều đáng lưu ý là các lô sản phẩm sữa này đã được xuất khẩu để chế biến thành 870 tấn sản phẩm nhiều loại, từ sữa công thức trẻ em, nước giải khát, sữa chua đến đồ uống thể thao tại New Zealand và 6 nước khác là: Australia, Trung Quốc, Malaysia, Ả Rập, Thái Lan và Việt Nam. Nằm trong chiến dịch thu hồi sữa bẩn lớn nhất trong lịch sử này, tại Việt Nam, 11 lô sữa dòng Similac Gain Plus EyeQ của hãng Abbott và một lô sữa dòng Dumex của hãng Danone đã được thu hồi vì dùng nguyên liệu nhiễm khuẩn của hãng Fonterra.
Vụ bê bối mới nhất này thêm một lần nữa đặt người tiêu dùng vào nỗi hoang mang: lẽ nào bỏ nhiều tiền mua sữa ngoại của các hãng nổi tiếng vẫn chưa đủ để con em mình được uống sữa chất lượng tốt?
Xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, đây là một trong những hậu quả của việc thị trường sữa tăng trưởng quá nóng trong những năm gần đây. Về nguyên nhân trực tiếp, vụ việc sữa nhiễm độc tại NewZealand là do rủi ro trong quá trình sản xuất, tuy nhiên, nó đặt ra một vấn đề là liệu các công ty sữa - kể cả các công ty lớn - có rà soát lại quy trình sản xuất và chất lượng nguồn nguyên liệu của mình trước khi đưa sản phẩm ra thị trường hay không?
Mặt khác, cùng với nhu cầu sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa tăng quá nhanh theo quy mô dân số và theo thu nhập, hàng loạt nhãn hàng sữa ngoại được nhập về Việt Nam với số lượng lớn dường như cũng bị bỏ quên quy trình kiểm tra chất lượng ban đầu trước khi cho phép bán ở thị trường trong nước.
Theo Tetra Pak - công ty dẫn đầu thế giới về chế biến và đóng gói thực phẩm - mức tiêu thụ sữa đang tăng mạnh ở Việt Nam. Nếu năm 2004 có khoảng 580 triệu lít sữa được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam thì ước tính trong năm 2013 sẽ là 2 tỷ lít. Có lẽ, nhu cầu quá lớn mạnh đã khiến thị trường trở nên dễ dãi hơn chăng? Điều này chỉ có các nhà quản lý mới có thể trả lời, bởi người tiêu dùng không bao giờ đủ thông tin và phương tiện để kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi sử dụng. Việt Nam đang rất nỗ lực trong việc đưa tỷ lệ dùng sữa tính trên đầu người lên cao ngang bằng với khu vực, và nỗ lực này sẽ càng làm thị trường tăng trưởng nóng thêm trong thời gian tới. Do đó, càng cần thêm bàn tay kiểm soát chất lượng chặt chẽ từ phía nhà quản lý trước khi bày bán trên thị trường.
Kim Ngân