Trang thông tin điện tử Đầu tư tài chính cho biết, kết quả mới nhất từ cuộc điều tra của Viện Đánh giá khoa học và định giá công nghệ (Bộ Khoa học - công nghệ), có tới 77% doanh nghiệp (DN) không theo đuổi hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) hay đổi mới làm chủ công nghệ.
Trang thông tin điện tử Đầu tư tài chính cho biết, kết quả mới nhất từ cuộc điều tra của Viện Đánh giá khoa học và định giá công nghệ (Bộ Khoa học - công nghệ), có tới 77% doanh nghiệp (DN) không theo đuổi hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) hay đổi mới làm chủ công nghệ. Đây là một thực tế đáng báo động.
Hiệp hội Nhựa và cao su TP.Hồ Chí Minh cũng đưa ra nhận định, hơn 2 năm trở lại đây, không ít DN như đang quay trở lại thời điểm cách đây hơn chục năm khi phải sử dụng máy móc cũ, thu hẹp sản xuất, trong khi những năm trước, năm nào DN cũng đầu tư đổi mới công nghệ.
Câu chuyện DN Việt thiếu đầu tư về công nghệ không phải giờ đây mới phát sinh, bởi ngay cả những thời kỳ kinh tế chưa lâm vào khó khăn thì tỷ lệ DN quan tâm đầu tư cho mảng này cũng đã rất ít ỏi. Một DN trong ngành sản xuất thực phẩm tại Đồng Nai cho biết, thực tế là hàng hóa trong nước khó cạnh tranh với hàng ngoại cũng có nguyên nhân từ việc yếu công nghệ, bởi các dây chuyền sản xuất của DN Việt Nam nhiều nơi còn chắp vá, manh mún, tự chế… thậm chí nhiều DN còn phải nhập dây chuyền, công nghệ sản xuất cũ kỹ giá rẻ từ nước ngoài để giảm chi phí - trong đó có những dây chuyền mà nước bạn đã ngưng sử dụng từ lâu.
Dây chuyền tự phát, cũ kỹ gây nên hệ lụy là chi phí sản xuất và giá thành cao, hàng hóa thiếu cạnh tranh. Càng đáng lo hơn khi chỉ chừng một năm nữa, hàng hóa từ các quốc gia ASEAN sẽ ồ ạt tràn vào Việt Nam. Tiếp đến là hàng của các nước thuộc Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định RCEP… Và ngay trên sân nhà, làm thế nào mà DN Việt có thể kích thích người tiêu dùng không chọn hàng ngoại khi mẫu mã họ đẹp hơn, bao bì sắc nét hơn, công dụng đa dạng hơn, mà trong đó sự đóng góp của công nghệ sản xuất tiên tiến là rất lớn?
Một khía cạnh khác, để hạn chế sự tấn công ồ ạt của hàng ngoại giá rẻ, Việt Nam tất yếu sẽ đề ra những hàng rào kỹ thuật thích hợp đối với hàng hóa như cách mà nhiều nước đã làm, chẳng hạn yêu cầu sản phẩm phải được sản xuất bằng công nghệ mới có chỉ số ô nhiễm môi trường ở mức tối thiểu theo tiêu chuẩn châu Âu... Hàng nội sẽ không thể đứng ngoài vòng kiểm soát của những hàng rào kỹ thuật ấy. Sẽ ra sao khi chính hàng hóa trong nước không đáp ứng được những yêu cầu kỹ thuật và công nghệ sản xuất do chính trong nước đề ra?
Ở thời điểm này, đúng là thật khó đề nghị DN quan tâm đến việc đổi mới công nghệ, khi hàng tồn kho và sự sụt giảm thị trường, doanh thu tụt dốc đang là mối lo thường trực. Tuy vậy, nếu không là lúc này, liệu đến lúc nào mới có thể bàn sâu câu chuyện này, khi mọi cánh cửa cho hàng ngoại sắp được mở toang? Có lẽ, vẫn phải tiếp tục trông chờ những chính sách khuyến khích thay đổi, đầu tư công nghệ cho DN một cách thiết thực, bài bản ngay từ bây giờ, để hàng hóa Việt dù chưa thể cạnh tranh trong 1 - 2 năm trước mắt thì cũng có nền tảng để tự tin cạnh tranh trong vòng 3 - 5 năm tới.
Vi Lâm