Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp khó, khó thế nào?

10:05, 13/05/2013

Trong vòng vài năm gần đây, không ai còn xa lạ với những cụm từ “kinh tế khó khăn”, “doanh nghiệp ốm yếu”. Tình hình này vẫn đang bao trùm nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Vốn dồn ứ ở các ngân hàng trong khi lãi suất dù có giảm song vẫn còn cao - một sự vô lý tồn tại nhiều tháng qua.

Trong vòng vài năm gần đây, không ai còn xa lạ với những cụm từ “kinh tế khó khăn”, “doanh nghiệp ốm yếu”. Tình hình này vẫn đang bao trùm nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Vốn dồn ứ ở các ngân hàng trong khi lãi suất dù có giảm song vẫn còn cao - một sự vô lý tồn tại nhiều tháng qua.

Nhưng khó, là khó ra sao?

Báo cáo ngày 24-4-2013 của Chính phủ đánh giá số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước, đồng thời cả số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký đều giảm. Báo điện tử VnEconomy tường thuật phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế cuối tháng 4 có dẫn lời của Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, nói: “Nếu thống nhất khái niệm doanh nghiệp cả năm 2012 không có doanh số là “ốm”, còn doanh số bằng 30% năm trước là “yếu”, thì đang có 72 ngàn doanh nghiệp ốm yếu”.

Như vậy, theo ông Tuấn, năm 2012 trong số 447 ngàn doanh nghiệp thì có 72 ngàn có doanh số chỉ bằng 30% năm trước trở xuống. Lũy kế đến cuối năm 2012, số doanh nghiệp lỗ trong cả nước đã lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng. Quả là những con số hơi choáng váng.

Báo cáo tình hình kinh tế tháng 4 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Việt Nam mới đây nhận định, nguồn lực của doanh nghiệp đang dần cạn kiệt, số doanh nghiệp phá sản hoặc ngừng hoạt động vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước. Ủy ban này cũng chỉ ra rằng, ngay cả hoạt động xuất nhập khẩu, con số nhập siêu 1 tỷ USD trong tháng 4 cũng chưa cho thấy biểu hiện rõ ràng của sự gia tăng tổng cầu và sản xuất trong thời gian tới, mà chỉ đơn thuần mang ý nghĩa kỹ thuật do kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh hơn so với kim ngạch nhập khẩu. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đã giảm tới 20% so với tháng 3.

Như vậy, trái với những nhận định lạc quan rằng sang quý II năm 2013, tình hình sẽ khá lên, hiện tại, bức tranh “công ăn việc làm” của giới doanh nghiệp vẫn ảm đạm. Và hy vọng sáng sủa hiện vẫn chưa xuất hiện.

Lúc này đây, sự hỗ trợ tháo gỡ khó khăn giúp cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu từ phía các cơ quan chức năng và sự chia sẻ lợi ích từ các ngân hàng thương mại càng trở nên cấp thiết.

            Vi Lâm

Tin xem nhiều