Đều là những cây cầu được thực hiện nhanh chóng theo lệnh khẩn cấp của Thủ tướng (cầu Bửu Hòa) hoặc dưới áp lực dư luận trước nguy cơ sập cầu (cầu Đồng Nai), nhưng xem ra, cả 2 công trình giao thông trọng điểm này dù đã thông xe, nhưng vẫn còn những điều khiến người dân ái ngại.
Đều là những cây cầu được thực hiện nhanh chóng theo lệnh khẩn cấp của Thủ tướng (cầu Bửu Hòa) hoặc dưới áp lực dư luận trước nguy cơ sập cầu (cầu Đồng Nai), nhưng xem ra, cả 2 công trình giao thông trọng điểm này dù đã thông xe, nhưng vẫn còn những điều khiến người dân ái ngại.
Ái ngại là bởi người đi chỉ “sướng” khi chạy bon bon trên cầu, còn lại thì quá oải với đường dẫn lên cầu. Cụ thể, đã thông xe gần 4 năm, nhưng cầu Đồng Nai hiện còn các hạng mục chưa thể hoàn thành nổi vì thiếu vốn, như: nút giao ở ngã tư Vũng Tàu (gồm hầm chui hướng từ TP.Biên Hòa đi TP.Hồ Chí Minh, đường dẫn rẽ đi Vũng Tàu và phần đường gom chui dưới cầu); cầu vượt nút giao Tân Vạn (gồm cầu vượt và đường nhánh rẽ hai bên và đường chính). Các hạng mục trên lẽ ra phải xong từ năm 2011, song tiến độ đến nay vẫn ì ạch và chưa biết bao giờ xong.
Hiện tại, hai mặt cầu Đồng Nai cả mới lẫn cũ đều cho xe lưu thông khá rộng, nhưng phần mặt đường ở hai đầu cầu lại nằm trên nền đường cũ rất chật hẹp, do đó đoạn đường này thường xuyên rơi vào “ác mộng” kẹt xe. Mặt khác, người lưu thông từ TP. Hồ Chí Minh về Biên Hòa muốn rẽ vào hướng Tân Vạn phải “chui” dưới gầm cầu bằng con đường dốc nhỏ hẹp rất nguy hiểm, bởi phải dồn cả xe máy, xe tải nhẹ, xe hơi… vào chung một chỗ.
Nhưng, vẫn chưa “rầu” bằng cầu Bửu Hòa. Từ khi được thông xe nhanh chóng để chào mừng ngày 30-4, những tưởng cây cầu này sẽ giúp đường đi lối lại của người dân Biên Hòa thông thoáng hơn, ngờ đâu, quá trình vận chuyển vật liệu để làm cầu trước đây đã làm con đường Đặng Văn Trơn - đường độc đạo dẫn lên cầu xuống cấp thảm hại. Hàng đoàn xe chở vật liệu cày xới mặt đường trong cả năm trời xây cầu đã khiến con đường vốn nhỏ, hẹp có thêm nhiều ổ voi, bùn lầy nhớp nháp gây nguy hiểm cho người đi đường. Chưa kể, mật độ xe lưu thông quá dày khiến đường trở thành một nút thắt cổ chai, có nguy cơ kẹt xe bất cứ lúc nào.
Việc vội vã cho đóng cửa vĩnh viễn đối với xe máy, xe đạp và người đi bộ ở 2 cây cầu Ghềnh và Rạch Cát càng khiến áp lực qua lại đổ dồn vào đường Đặng Văn Trơn. Lẽ ra, nên chờ đến cuối năm 2013, khi dự án nâng cấp đường Đặng Văn Trơn hoàn thành, ngành đường sắt mới nên chấm dứt việc lưu thông qua 2 cây cầu này. Vẫn biết, còn để xe lưu thông qua 2 cây cầu đường sắt ngày nào, áp lực kiểm soát an toàn lại đè nặng lên vai những người trực cầu ngày đó. Song, lẽ nào cây cầu đã chịu đựng được hơn 100 năm, thì thêm 6 tháng để dự án hoàn thành, người dân bớt khổ, ngành đường sắt lại làm ngơ?
Kim Ngân