Tăng thể lực, chiều cao của người dân là một trong những mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam theo đuổi. Và, một trong những cách khiến mục tiêu này sớm đạt được, như kinh nghiệm của nhiều nước khác, là khuyến khích người dân uống sữa. Do đó, cách tốt nhất để người dân có sữa uống là giá sữa phải rẻ so với thu nhập bình quân đầu người. Bởi người ta không thể bỏ ra một số tiền quá lớn để mua sữa uống hàng ngày, trong khi còn bao nỗi lo thường nhật: cơm áo, học hành, chữa bệnh, tích lũy…
Tăng thể lực, chiều cao của người dân là một trong những mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam theo đuổi. Và, một trong những cách khiến mục tiêu này sớm đạt được, như kinh nghiệm của nhiều nước khác, là khuyến khích người dân uống sữa. Do đó, cách tốt nhất để người dân có sữa uống là giá sữa phải rẻ so với thu nhập bình quân đầu người. Bởi người ta không thể bỏ ra một số tiền quá lớn để mua sữa uống hàng ngày, trong khi còn bao nỗi lo thường nhật: cơm áo, học hành, chữa bệnh, tích lũy…
Theo báo điện tử Vneconomy tháng 10 - 2012, một bản báo cáo về tình hình cạnh tranh trên thị trường sữa công thức dành cho trẻ em từ 0 - 12 tháng tuổi tại Việt Nam qua các năm 2009 - 2011 đã được Tổ chức Thống nhất và tín thức bảo vệ người tiêu dùng (CUTS International) công bố tại Hà Nội cho thấy, tuy không có việc giá sữa tại Việt Nam cao gấp 2 - 3 lần so với các nước trong khu vực, nhưng nếu xét về mức thu nhập bình quân theo đầu người (tính theo sức mua trung bình) thì thu nhập trung bình của người dân Việt Nam hiện đứng vào hàng thấp nhất so với các quốc gia trong khu vực.
Chính sự bất tương xứng này “khiến cho người tiêu dùng Việt Nam cảm thấy giá sữa tại Việt Nam là cao”, báo cáo này nhận xét.
Thực tế, người Việt không phải chỉ “cảm thấy giá sữa là cao” mà bởi sữa luôn là mặt hàng đắt đỏ và tăng giá nhiều lần nhất so với các mặt hàng khác. Và nó cao thực sự, bởi với thu nhập bình quân đầu người 1,6 ngàn USD/ năm (khoảng hơn 33 triệu đồng - số liệu năm 2012), thì hàng tháng người Việt chỉ có chưa đầy 2,8 triệu đồng để chi tiêu cho tất cả: ăn uống, may mặc, đi lại, giáo dục, y tế… Vậy nên, nếu mua loại sữa rẻ tiền nhất cho con (khoảng 200 ngàn đồng/ hộp 400g) thì hàng tháng, người dân đã mất gần 1/3 thu nhập cho tiền sữa. Chưa kể, có hàng ngàn lý do để các hãng sữa liên tục tăng giá, như: giá nguyên liệu tăng, bổ sung thêm khoáng chất, tỷ giá tăng… thậm chí, là thay đổi bao bì.
Mới đây nhất, chỉ vài ngày sau Tết Quý Tỵ, các hãng sữa lại tiếp tục công bố lên giá. Mức tăng lần này phổ biến từ 7-10% với các hãng chiếm thị phần lớn, như: Abbott, Dutch Lady, Friesland Campina, Vinamilk… Kể từ tháng 9-2012, giá sữa đã trải qua nhiều đợt tăng giá. Đáng kể nhất là đợt sau Tết Dương lịch, một số hãng sữa, như: Dumex, Mead Johnson cũng đã điều chỉnh tăng giá bán trên dưới 10%. Cá biệt có những năm, sữa tăng giá đến 3-4 lần với tổng mức tăng lên đến 20-30%, vượt xa mức tăng bình quân của chỉ số giá tiêu dùng, và dĩ nhiên, vượt rất xa mức tăng của lương cơ bản. Chính vì vậy cho đến thời điểm này, lượng sữa bình quân mà người Việt Nam uống hàng năm thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Và do vậy, nếu không có chính sách nào khả dụng để kiểm soát giá sữa, thì mục tiêu nâng cao thể trạng, chiều cao của người dân còn khá… lâu dài.
Kim Ngân