Báo Đồng Nai điện tử
En

Khổ vì tiền mới

09:02, 04/02/2013

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho biết, lượng tiền mới về chi nhánh trong tháng cận Tết Nguyên đán năm nay chỉ bằng 1/20 so với hàng năm. Điều này đã gây nên tình trạng khan hiếm tiền mới mệnh giá nhỏ tại các ngân hàng. Nhân viên nhiều ngân hàng thậm chí phải nháo nhào đổi tiền mới bên ngoài để làm vừa lòng khách VIP khi họ có yêu cầu đổi tiền mới.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai cho biết, lượng tiền mới về chi nhánh trong tháng cận Tết Nguyên đán năm nay chỉ bằng 1/20 so với hàng năm. Điều này đã gây nên tình trạng khan hiếm tiền mới mệnh giá nhỏ tại các ngân hàng. Nhân viên nhiều ngân hàng thậm chí phải nháo nhào đổi tiền mới bên ngoài để làm vừa lòng khách VIP khi họ có yêu cầu đổi tiền mới.

Khan hiếm tiền mới cũng tạo cơ hội để các dịch vụ đổi tiền ngoài chợ đen và trên mạng internet kiếm bộn. Tại nhiều nơi trong TP. Biên Hòa, như: chợ Tân Hiệp, Tân Phong, các khu công nghiệp…, nhiều điểm đổi tiền mới có thu “phí” mọc lên, bất chấp đây là một hành vi không hợp pháp. Phí đổi tiền tăng gần gấp đôi so với tết mọi năm. Để đổi được 1 triệu đồng tiền mới mệnh giá 10 ngàn đồng, người có nhu cầu phải trả “phí” từ 80-100 ngàn đồng, thậm chí cao hơn ở những thời điểm giáp tết. Còn với tờ 1 USD và 2 USD, người đổi sẽ phải trả từ 30 ngàn đồng trở lên cho 1 USD. Trên các trang web cung cấp dịch vụ đổi tiền, tờ tiền 2 USD phát hành từ năm 1917 thậm chí còn bị hét giá đến 2 triệu đồng, gấp gần 100 lần so với tỷ giá thực. Riêng các loại tiền 200 đồng và 500 đồng, bình thường không ai ngó ngàng đến, nhưng chỉ cần là tiền mới, phí đổi sẽ lên đến hơn 50%.

Không thể trách Ngân hàng Nhà nước vì sao không cung ứng thêm tiền mới nhân dịp tết. Bởi trên nguyên tắc, tiền mới hay cũ, miễn cùng một mệnh giá và còn giá trị lưu thông, không rách nát, thì đều như nhau. Ngân hàng Nhà nước chỉ thu tiền cũ về và phát hành tiền mới khi tiền cũ đã xuống cấp và hết giá trị lưu thông. Chính thói quen thích đổi tiền mới xài tết đã làm nên sự khan hiếm giả tạo này.

Vậy sao phải cần tiền mới? Để phục vụ nhu cầu lì xì, đi chùa, cúng bái… với quan niệm “mới là hên”. Quan niệm này nên xem xét lại, bởi nó mang đầy tính hủ tục. Lẽ nào, phải cúng bái bằng tiền lẻ mới cáu cạnh thì mới chứng tỏ lòng thành? Trong khi đó, nhiều nhà nghiên cứu tôn giáo, văn hóa đều khẳng định, tục cúng chùa bằng tiền không đúng với quan niệm của nhà Phật, thay vào đó chỉ cần một nén hương. Và còn nữa, lì xì cho trẻ nhỏ, mừng tuổi cho người lớn, cũng không nhất thiết phải là tiền mới. Và cũng cần dạy cho trẻ nhỏ biết rằng, đồng tiền đựng trong phong bao lì xì chỉ là một món quà mừng năm mới, một lời chúc may mắn đầu năm, đủ cho trẻ mua vài thanh kẹo. Mà đã là tấm lòng, thì có cần câu nệ cũ mới?

Vậy nên, nếu thay đổi những quan niệm không đúng, thì một mặt, vẫn có thể giữ được nề nếp gia đình, phong tục vì vẫn có lì xì, mừng tuổi, vẫn có cúng bái lễ lạt… nhưng xã hội sẽ nhẹ gánh đi nhiều, và người tiêu dùng cũng tránh được cảnh tự đưa “cổ” mình cho các dịch vụ đổi tiền tha hồ chặt chém.

Kim Ngân

 

Tin xem nhiều