Báo Đồng Nai điện tử
En

Rắc rối chuyện vàng

09:01, 22/01/2013

Sau gần 2 tuần thực hiện nghiêm Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng, có nhiều diễn biến mới xảy ra.

Sau gần 2 tuần thực hiện nghiêm Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng, có nhiều diễn biến mới xảy ra. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc vàng nhẫn trơn trở nên phổ biến trên thị trường, với vai trò thay thế vàng miếng trong mua bán, cất giữ… Và cũng không có gì đáng ngạc nhiên nếu một ngày nào đó, vàng nhẫn có thể sẽ trở thành phương tiện giao dịch, tương tự vàng miếng trước đây.

Bởi khi mạng lưới thu hẹp, tức cả nước chỉ có hơn 2 ngàn điểm có chức năng giao dịch vàng miếng, trong đó đa phần tập trung ở một số thành phố lớn, như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… thì mỗi khi có nhu cầu mua bán vàng miếng, người dân, đặc biệt ở các vùng nông thôn, phải chạy lòng vòng tìm điểm mua bán hợp pháp. Vì địa phương nơi họ sinh sống không có điểm mua bán, trong khi hoạt động mua bán vàng miếng sang tay giữa người dân với nhau được coi là không hợp pháp.

Tại Đồng Nai, số điểm có thể cung ứng vàng miếng hợp pháp chỉ có 51 điểm và hầu hết chỉ tập trung tại TP. Biên Hòa; tại trung tâm TX.Long Khánh và vài huyện, như: Trảng Bom, Long Thành, Thống Nhất… chỉ có một vài điểm. Còn các huyện xa, như: Định Quán, Cẩm Mỹ, Xuân Lộc… hầu như không có điểm giao dịch vàng miếng hợp pháp nào, bởi mạng lưới phòng giao dịch của các ngân hàng có chức năng mua bán vàng miếng chưa phủ sóng đến.

Dù Nhà nước vẫn công nhận quyền mua bán và sở hữu hợp pháp về vàng miếng, nhưng trên thực tế lại không có điểm giao dịch nên nhiều người dân cho rằng, chẳng khác nào bị “ngăn sông cấm chợ” trong mua bán vàng miếng. Và vì vậy, vàng nhẫn trơn đang ngày càng mạnh lên với vai trò công cụ thay thế. Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối - Ngân hàng Nhà nước, cho biết, cơ quan chức năng cũng đã kiểm tra và nhận thấy tình trạng lách quy định kinh doanh vàng miếng bằng cách đóng vỉ các hộp nhẫn trơn để bán trên thị trường là có thật. Nhưng việc này không vi phạm về chính sách.

Lãnh đạo Vụ Quản lý ngoại hối cũng cho biết, hiện nay vàng nhẫn đóng vỉ theo khái niệm trong luật, các văn bản hướng dẫn vẫn được coi như vàng trang sức. Ngân hàng Nhà nước chưa can thiệp vì chưa có tác động xấu tới chính sách, nhưng vẫn đang quan sát, theo dõi thị trường. Qua kiểm tra trên hệ thống, số lượng sản xuất và tiêu thụ mặt hàng này chưa lớn, chỉ khoảng vài trăm lượng trên cả nước. Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi tiếp và nếu cần sẽ có cảnh báo.

Có cung ắt có cầu. Nếu vàng miếng SJC mua bán khó, người dân sẽ chuyển sang vàng nhẫn trơn, cũng có đầy đủ các “chức năng” cất giữ, mua bán, giao dịch (có thể) tương tự vàng miếng trước đây. Chỉ có điều, sẽ có nhiều tranh cãi và mâu thuẫn phát sinh từ việc ai là người đảm bảo chất lượng vàng nhẫn. Trước mắt, người chịu thiệt sẽ là người dân. Còn về lâu dài, nếu vàng nhẫn đã “mạnh” lên, trở thành một thị trường mua bán sôi động tồn tại song song với vàng miếng hợp pháp, thì việc quản lý thị trường bằng cách thu hẹp hoạt động mua bán vàng miếng và biến nó thành một mặt hàng mà chỉ duy nhất một thương hiệu SJC mới có giá trị, sẽ chẳng còn mấy ý nghĩa.

Vi Lâm

 

 

Tin xem nhiều