Vừa qua, nơi tôi đang sinh sống xảy ra vụ trộm tài sản, sau khi bắt được đối tượng cơ quan chức năng đã tổ chức dựng lại hiện trường. Xin hỏi, trường hợp nào cần phải dựng lại hiện trường vụ án?
Hỏi: Vừa qua, nơi tôi đang sinh sống xảy ra vụ trộm tài sản, sau khi bắt được đối tượng cơ quan chức năng đã tổ chức dựng lại hiện trường. Xin hỏi, trường hợp nào cần phải dựng lại hiện trường vụ án?
Đỗ Đức Hải (huyện Trảng Bom)
Trả lời: Việc dựng lại hiện trường là một trong những thực nghiệm điều tra, mục đích làm rõ các tình tiết, hành vi của người gây án, trên cơ sở đó xử lý đúng người, đúng tội. Khi dựng lại hiện trường, cơ quan điều tra có thể thực nghiệm điều tra bằng cách diễn lại hành vi, tình huống hoặc những tình tiết khác của một sự việc nhất định và tiến hành các hoạt động thực nghiệm cần thiết.
Trước khi tiến hành thực nghiệm điều tra, điều tra viên phải thông báo cho viện kiểm sát cùng cấp biết về thời gian và địa điểm làm việc. Đồng thời kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát, nếu kiểm sát viên vắng mặt thì phải ghi rõ vào biên bản.
Điều tra viên chủ trì tiến hành thực nghiệm điều tra và việc này phải có người chứng kiến. Khi tiến hành thực nghiệm, cơ quan điều tra có thể mời người có chuyên môn tham gia. Trường hợp cần thiết, viện kiểm sát tiến hành thực nghiệm điều tra theo quy định như đã nêu trên.
Khi thực nghiệm điều tra phải đo đạc, chụp ảnh, ghi hình, vẽ sơ đồ, ghi rõ kết quả vào biên bản. Nghiêm cấm việc thực nghiệm điều tra xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người tham gia thực nghiệm và người khác.
Luật sư Ngô Văn Định