Báo Đồng Nai điện tử
En

Giảm hàng ngoại, xài hàng nội

10:11, 30/11/2015

Sách Đại Việt sử ký toàn thư (bản kỉ, quyển 2, tờ 28-b) có chép:"Tháng 2 năm Canh Thìn (1040) Vua (tức Lý Thái Tông) đã dạy được cung nữ dệt gấm vóc. Tháng ấy, Vua xuống chiếu phát hết gấm vóc của nước Tống ở trong kho để ban cho các quan.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư (bản kỉ, quyển 2, tờ 28-b) có chép:“Tháng 2 năm Canh Thìn (1040) Vua (tức Lý Thái Tông) đã dạy được cung nữ dệt gấm vóc. Tháng ấy, Vua xuống chiếu phát hết gấm vóc của nước Tống ở trong kho để ban cho các quan. Các quan từ ngũ phẩm trở lên thì được ban áo bằng gấm, từ cửu phẩm trở lên thì được ban áo bằng vóc. Nhà vua làm vậy để tỏ ý là Vua sẽ không dùng gấm vóc của nước Tống nữa”.

Bình luận về việc này, Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: “Việc làm của Vua, trong cái tốt lại còn có cái tốt nữa. Vua không quý vật lạ, ấy là muốn tỏ ra hậu đãi với  kẻ dưới”. 

Bệnh sính dùng hàng ngoại đã có từ rất lâu. Ý thức “giảm hàng ngoại để xài hàng nội” cũng đã có từ thời vua Lý Thái Tông. Điều đáng lưu ý là, vua Lý đã nêu gương mình trước hết. Nêu gương như vậy, nhiều ý nghĩa. Muốn dân chăm nghề canh cửi, trước tiên quý tộc phải làm gương. Cung nữ mà còn dệt vải, thứ dân ai dám nói nghề dệt vải là thấp hèn. Muốn khắp thiên hạ dùng hàng nội, trước hoàng đế phải làm gương. Đấng chí tôn mà còn mặc hàng lụa là trong nước sản xuất, quan dân các hạng ai dám chê đó là mặt hàng chả ra gì.

Xem ra, phong trào “dùng hàng nội là yêu nước” thời nay phải bắt đầu từ sự nêu gương của người đứng đầu như vua Lý Thái Tông.              

Trực Tử

Tin xem nhiều