Lý Nhân Tông lên ngôi năm Nhâm Tý (1072) lúc mới 6 tuổi, ở ngôi 56 năm, thọ 62 tuổi, ở ngôi vua lâu nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, được đánh giá là một vị vua giỏi của triều Lý, khổ luyện và phấn đấu đạt đến độ "học thức cao minh, uyên thâm đạo lý".
Lý Nhân Tông lên ngôi năm Nhâm Tý (1072) lúc mới 6 tuổi, ở ngôi 56 năm, thọ 62 tuổi, ở ngôi vua lâu nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam, được đánh giá là một vị vua giỏi của triều Lý, khổ luyện và phấn đấu đạt đến độ “học thức cao minh, uyên thâm đạo lý”.
Trong thời trị vì của Lý Nhân Tông, có nhiều sự kiện lịch sử mà hậu thế có nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng, “Lâm chung di chiếu” (chiếu để lại lúc sắp mất) của Lý Nhân Tông được người đời truyền tụng, nhất nhất cho rằng: đó là bài văn biểu lộ rõ phong cách của người viết, đã hé mở cho thấy một tấm lòng nhân hậu, cao cả, không muốn lạm dụng địa vị cao sang để phiều nhiễu dân; chỉ muốn trước sau lúc nào cũng giữ được ý nguyện “trăm họ được yên”, “bốn bể yên vui, biên thùy ít loạn”.
Di chiếu có đoạn viết: “…Trẫm nghe, phàm các loài sinh vật, không loài nào là không chết. Chết là số lớn của trời đất và lẽ đương nhiên của mọi vật. Thế nhưng người đời chẳng ai không thích sống mà ghét chết. Chôn cất hậu làm mất cơ nghiệp, để tang lâu làm tổn tính mệnh, trẫm không cho thế là phải. Trẫm ít đức, không lấy gì làm cho trăm họ được yên, đến khi chết đi lại khiến cho thứ dân mặc áo xô gai, sớm tối khóc lóc, giảm ăn uống, bỏ cúng tế... làm cho lỗi ta thêm nặng, thiên hạ sẽ bảo ta là người thế nào? Trẫm xót phận tuổi thơ phải nối ngôi báu, ở trên các vương hầu, lúc nào cũng nghiêm kính sợ hãi. Đã 56 năm nay, nhờ anh linh của tổ tông, được hoàng thiên phù hộ, bốn biển yên lành, biên thùy ít biến, chết mà được xếp sau các bậc tiên quân là may rồi, còn phải thương khóc làm gì ?”
Về việc tang, Di chiếu viết: “…Việc tang thì chỉ ba ngày là bỏ áo trở, nên thôi thương khóc. Việc chôn thì nên theo Hán Văn Đế, cốt phải kiệm ước, không xây lăng mộ riêng, nên để ta hầu bên cạnh tiên đế. Than ôi! mặt trời đã xế, tấc bóng khó dừng, từ giã cõi đời, nghìn thu vĩnh quyết. Các ngươi nên thực lòng kính nghe lời trẫm, bảo rõ cho các vương công, bày tỏ cho hết trong ngoài”…
Thói thường, người sắp rời chức vụ hoặc sắp chết thường chú tâm về tài sản, lợi ích và vị thế truyền đời của mình. Các bậc trọng thần, vua chúa còn nghĩ đến việc hậu sự, lăng tẩm và truyền nhân để nối đời nhang khói. Di chiếu của vua Lý Nhân Tông cách nay 900 năm đã có lý như vậy, có lòng như vậy, sao thấy quen quen, chẳng khác nào nội dung theo tinh thần xây dựng Đảng thời nay đang ra sức kiểm điểm, tự phê bình, nhắc nhau gương mẫu thực hiện. Vấn đề là: có thực tâm thực hiện và thực hiện được hay không? Hãy đợi đấy!
Trực Tử