- Chiều rảnh làm vài ly ông!
- Thôi cảm ơn, chiều nay hứa đưa vợ con đi siêu thị rồi!
- Chiều rảnh làm vài ly ông!
- Thôi cảm ơn, chiều nay hứa đưa vợ con đi siêu thị rồi!
- Dạo này ông ngoan vậy?
- Vẫn ngoan thường xuyên, trừ lúc hư thôi!
- Ông học đâu cái kiểu nói nước đôi vậy?
- Ôi dào, kiểu nói muốn hiểu thế nào cũng được giờ phổ biến rồi đó. Ủa, ông chưa đọc cái văn bản 1042/C67-P3 của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt à?
- À, ông nói cái vụ cấm giả danh nhà báo quay phim, chụp ảnh cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ à? Cái này có chút hiểu lầm ông ơi. Mục đích của người ra văn bản là nhắm tới anh em trong ngành để “nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ hoặc có hành vi chống đối cảnh sát giao thông đang thực thi công vụ hoặc quay phim chụp ảnh hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được sự đồng ý của cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ” thôi mà!
- Nói như vậy mà không nước đôi à. Nếu cảnh sát giao thông vi phạm mà nhà báo và công dân muốn quay phim chụp ảnh họ phải xin phép chính họ thì còn lâu mới có bằng chứng giám sát!
- Thì lý là nói vậy, nhưng có cấm nhà báo và người dân quay phim chụp ảnh đâu!
- Việc mạo danh nhà báo hay việc công dân quay phim chụp ảnh vì động cơ tiêu cực, động cơ bôi nhọ, động cơ bóp méo sự thật, động cơ xuyên tạc sự thật thì đã có pháp luật trừng trị. Cái văn bản mới này nó “sái” với nhiều quy định pháp luật cũ, nó tạo ra nhiều cách hiểu và vận dụng sai. Và những người ra văn bản - vô tình hay cố ý - tước mất quyền “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, cái quyền có thể giúp làm trong sạch chính lực lượng của họ!
- Thì chắc mấy ổng thương dân nên chỉ để “dân bàn” thôi, còn “dân kiểm tra” thì vất vả lắm!
BA PHA