Chú Tám xe ôm nói tưng tửng:<br>
- Sống tới tuổi này, tao mới biết Bình Thuận, Ninh Thuận thuộc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Chú Tám xe ôm nói tưng tửng:
- Sống tới tuổi này, tao mới biết Bình Thuận, Ninh Thuận thuộc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Anh Tư Bốn cười tủm tỉm:
- Ý chú nói vụ đề thi môn Văn của học sinh khối 12 mới đây chớ gì. Cái này, lỗi đâu phải ở người ra đề thi, mà lỗi là ở tờ báo đã đưa ra thông tin sai. Vả lại, người ta ra đề thi môn Văn, còn cái vụ sai là thuộc kiến thức của môn… Địa lý, sao trách được?
Chú Tám nổi sùng:
- Tao dốt nên mới chạy xe ôm, không làm thầy giáo được. Nhưng tao cũng biết, khi ra đề thi cho học sinh phải theo 3 nguyên tắc: chính xác, tức là không xảy ra sai sót về mặt chuyên môn; khả thi, tức nằm trong chương trình để học sinh có thể làm được, không bị đánh đố; giáo dục, tức là đề thi phải định hướng cho học sinh về vấn đề nào đó. Đề thi này đã vi phạm nguyên tắc cốt lõi, quan trọng nhứt. Nói như bây, mai mốt ra đề thi môn này thì phải mời đủ hết giáo viên các môn khác để thẩm định?
Anh Tư Bốn biết đã chọc giận chú Tám, vội nói nghiêm túc:
- Để ra một đề thi, có hẳn một quy trình, hệ thống từ lúc ra đề, chọn đề, phản biện, vậy mà vẫn lọt lưới. Hài hước hơn là chính học sinh phát hiện đề thi sai sót chứ không phải các thầy cô giáo. Nói thiệt với chú, con không bức xúc lắm với vụ đề thi sai, mà bức xúc vì cách trả lời của lãnh đạo Sở GD-ĐT. Không thể nói rằng đề thi sai này không ảnh hưởng gì đến học sinh. Phải biết rằng qua những vụ việc như thế này, trong tâm lý của học sinh, xã hội, uy tín của ngành vốn đã lung lay sẽ càng bị xuống thấp. Rồi lại nghe lãnh đạo nói sẽ kiểm điểm cán bộ này, giáo viên kia, mà không nghe nói đến trách nhiệm của người đứng đầu, cũng như nói đến việc chấn chỉnh quy trình ra đề thi.
Chú Tám thở dài:
- Thôi, tao hổng trách ai hết. Hoặc nếu có trách, là trách 2 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận sao không dời về khu vực đồng bằng sông Cửu Long cho… đúng đề thi.
Ong mật