Báo Đồng Nai điện tử
En

Mang tiếng

10:09, 14/09/2016

Rau muống tưới nhớt thải, măng tươi tẩm chất vàng ô, thịt heo nhiễm chất tạo nạc, phẩm màu công nghiệp nhuộm dưa cải, thịt gà; nuôi lươn bằng thuốc tránh thai, giấm gạo chế biến từ acid, nội tạng động vật thối tẩy mùi bằng hóa chất, sầu riêng nhúng hóa chất làm chín… là những thông tin xuất hiện hàng ngày trên mạng internet.

Rau muống tưới nhớt thải, măng tươi tẩm chất vàng ô, thịt heo nhiễm chất tạo nạc, phẩm màu công nghiệp nhuộm dưa cải, thịt gà; nuôi lươn bằng thuốc tránh thai, giấm gạo chế biến từ acid, nội tạng động vật thối tẩy mùi bằng hóa chất, sầu riêng nhúng hóa chất làm chín… là những thông tin xuất hiện hàng ngày trên mạng internet. Cho đến nay, chưa có một cơ quan nào đứng ra kiểm tra và xác nhận những thông tin trên chính xác hay không, nhưng nông dân thì rầu thúi ruột vì hàng không bán được, thậm chí nhiều người treo chuồng, bỏ rẫy vì thua lỗ. Nông dân hỏi người nông thôn (NTT) tui:

- Thiệt tình tụi tui đọc nhiều thông tin trên báo mà… tá hỏa vì không biết họ lấy đâu ra? Thực sự, có những bước trong sản xuất, người nông dân có dùng chế phẩm sinh học trong phạm vi cho phép, vẫn an toàn, không đến mức gây ngộ độc, gây ung thư hay đầu độc người tiêu dùng. Những thông tin chưa được kiểm chứng lan truyền khắp nơi làm trái chín đầy vườn không bán được, nông dân thua lỗ. Tụi tui rầu quá!

- Nhưng NNT tui thấy, báo chí đưa ra thông tin có dẫn chứng đàng hoàng mà, hình ảnh cụ thể, chân thực chứ họ đâu có bịa ra?

- Đồng ý cũng có cái đúng, nhưng chúng tôi mong nhà báo và những người xài internet tìm hiểu kỹ một chút trước khi đưa thông tin rộng rãi. Ví dụ nha, từ lâu nhiều nước đã sử dụng rộng rãi ethephon trong ngành trồng trọt để kích thích sự chín đều và đồng loạt của các loại quả. Theo thống kê, 74% lượng chuối tiêu thụ trên toàn cầu được làm chín bằng hóa chất, chỉ một lượng nhỏ là chín tự nhiên, cho thấy sự phổ biến của phương pháp này. Thông tin này được GS.TS Nguyễn Quang Thạch, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Sinh học nông nghiệp (thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam), chia sẻ trong nhiều hội thảo đánh giá về ethephon đó. Nghĩa là việc sử dụng chế phẩm này để làm trái chín đồng loạt trong giới hạn là được phép và an toàn, chứ không phải hễ cứ quay, chụp được hình ảnh sử dụng chế phẩm nghĩa là nông dân chúng tôi đang “đầu độc” người tiêu dùng đâu.

- Vậy phải làm sao để phân biệt được tin nào đúng, tin nào sai để mua đồ chớ?

- Bởi vậy mới nói, nông dân chúng tôi tha thiết mong Nhà nước có hẳn một ban bệ nào đó chuyên thẩm tra, kiểm soát, công bố thông tin chính xác sau mỗi phản ánh của báo chí hoặc người mua. Ban bệ này chỉ làm riêng việc này thôi và làm cho kịp thời, chứ nhiều khi chúng tôi phá sản rồi, thông tin mới được công bố. Chúng tôi cũng muốn nhân đó “thanh lọc” hẳn một cách cụ thể những người nông dân sản xuất bậy bạ và tạo điều kiện cho những người làm chân chính.

- Được vậy thì quá mừng, hen bác?

Người Nông Thôn

 

 

Tin xem nhiều