Thời gian gần đây, hàng loạt các mặt hàng từ trái cây đến sản phẩm chăn nuôi liên tục rơi vào cảnh tồn hàng, rớt giá.
Thời gian gần đây, hàng loạt các mặt hàng từ trái cây đến sản phẩm chăn nuôi liên tục rơi vào cảnh tồn hàng, rớt giá. Chia sẻ về vấn đề này, GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ, vừa có bài trả lời phỏng vấn báo chí về việc tạo quyền mặc cả về giá nông sản bằng cách xây dựng được các chuỗi liên kết thực sự mạnh. Người Nông Thôn (NNT) tui đem vấn đề này trao đổi với bà con nông dân.
- Theo NNT tui được biết, GS.TS Võ Tòng Xuân đã chỉ ra nhược điểm của nông dân là từ trước đến nay bà con luôn sản xuất một cách tự do, muốn trồng gì thì trồng rồi rơi vào vòng luẩn quẩn trồng chặt, chặt trồng. Doanh nghiệp cũng không nắm vững thị trường, không dám tạo ra vùng nguyên liệu nên cả doanh nghiệp và nông dân không gặp nhau trong sản xuất hàng chục năm qua?
- Đây là một thực tế hiện nay. Tuy từ lâu, nông dân chúng tôi cũng rất mong có doanh nghiệp đặt hàng để sản xuất, nhưng doanh nghiệp của ta vẫn chủ yếu thụ động chờ nước ngoài vào đặt hàng rồi mới cạnh tranh nhau đi thu mua nông sản. Không ít doanh nghiệp có ký hợp đồng thu mua của nông dân nhưng vào vụ thu hoạch thị trường bất lợi, họ sẵn sàng bỏ nông dân bơ vơ.
- Theo NNT tui biết, Đồng Nai đang đẩy mạnh việc xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ cho nhiều mặt hàng rau quả, trái cây đến sản phẩm chăn nuôi. Trong chuỗi liên kết này, nông dân sản xuất theo đơn đặt hàng, phía doanh nghiệp thì truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, từ đó tạo ra được những vùng nguyên liệu tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm với giá thành cạnh tranh.
- Để làm được điều này, nông dân chúng tôi rất mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ, cùng tham gia không để doanh nghiệp và nông dân mãi làm theo kiểu tự phát như trước mà có sự ràng buộc chặt chẽ về mặt pháp lý. Từ việc hình thành được những chuỗi liên kết mạnh, sản phẩm có thương hiệu thì mới đảm bảo được đầu ra ổn định với mức giá phù hợp căn cứ trên việc phân chia hợp lý về lợi nhuận của cả doanh nghiệp và người nông dân.
Người Nông Thôn