Nhiều chuyên gia cho rằng, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số chính là "chìa khóa" để khôi phục và phát triển nền kinh tế nhanh, bền vững.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sau những tác động của đại dịch Covid-19, nhiều chuyên gia cho rằng, đổi mới, sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) chính là “chìa khóa” để khôi phục và phát triển nền kinh tế nhanh, bền vững.
Lãnh đạo tỉnh tham quan một gian trưng bày các sản phẩm khởi nghiệp của địa phương tại một hội nghị về đổi mới sáng tạo trên địa bàn Đồng Nai. Ảnh: Lê Cảnh |
* Xây dựng mạng lưới start-up về công nghệ
Theo nhiều chuyên gia về công nghệ, so với các lĩnh vực khác, khởi nghiệp công nghệ ở Việt Nam có những lợi thế cạnh tranh như: cơ cấu dân số trẻ, số lượng người dùng internet, người sử dụng điện thoại di động đạt tỷ lệ cao… Thêm vào đó, thị trường Việt Nam đã bước vào giai đoạn đủ lớn để đón nhận các sản phẩm công nghệ có tính đột phá mà các start-up có thể mang lại. Điều đó cho thấy Việt Nam hoàn toàn là thị trường hấp dẫn và đầy hứa hẹn để khởi nghiệp về công nghệ.
Ông Lê Anh Tiến, đồng sáng lập và CEO Công ty CP Công nghệ Chatbot Việt Nam chia sẻ, thời đại số hóa cộng thêm những ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong thời gian qua đã khiến cho việc áp dụng công nghệ vào các hoạt động của đời sống trở nên phổ biến hơn. Các doanh nghiệp (DN)/start-up công nghệ đang có những cơ hội thuận lợi để phát triển mạnh mẽ với các sản phẩm/dịch vụ phục vụ cộng đồng.
“Mặc dù tiềm năng và lợi thế của DN công nghệ là điều không thể phủ nhận, song tỷ lệ DN khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực này lại chưa cao, trong đó, sức ép về vấn đề kêu gọi vốn đầu tư là rất lớn, nhất là trong giai đoạn thị trường ngày càng bão hòa như hiện nay. Đối với những người mới khởi nghiệp, việc tìm kiếm thị trường, nhà đầu tư cùng với sự cạnh tranh trong ngành đã tạo ra nhiều thách thức lớn. Theo tôi, nhân sự là bài toán khó nhất. Đây lại là yếu tố quyết định phần thắng của mỗi start-up” - ông Tiến nhấn mạnh.
Tại Đồng Nai, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển DN công nghệ số tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu tổng quát là tạo điều kiện thuận lợi để DN ứng dụng thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngoài ra, hỗ trợ DN công nghệ số được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật; củng cố nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực và hiệu quả hoạt động của DN công nghệ số trong tất cả các ngành nghề, lĩnh vực. Hỗ trợ các DN nhỏ và vừa tiếp cận mạng lưới chuyên gia, các nhà tư vấn, các nền tảng số để thúc đẩy CĐS...
Phấn đấu giai đoạn 2022-2025, trên địa bàn tỉnh có ít nhất 5 DN công nghệ số thành lập mới; 10 DN chuyển đổi sang công nghệ số trong tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực. Sản phẩm phần mềm, nội dung số và dịch vụ công nghệ thông tin của DN trong tỉnh đáp ứng tốt yêu cầu cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh phục vụ hiệu quả hoạt động của các cơ quan, tổ chức và người dân.
* Từng bước phát triển hệ sinh thái về ĐMST
Đồng Nai có nhiều tiềm năng để phát triển khởi nghiệp và trên địa bàn tỉnh, hằng năm có thêm hàng ngàn DN mới tham gia vào thị trường. Để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, tỉnh đã ban hành các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các dự án khởi nghiệp phát triển.
Dây chuyền sản xuất ứng dụng công nghệ điều khiển tự động tại một nhà máy chế biến thực phẩm tại Khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom). Ảnh: Hải Hà |
Sở KH-CN là đơn vị được UBND tỉnh giao nhiệm vụ chủ trì phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST của Đồng Nai. Trong những năm qua, Sở KH-CN đã và đang thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh, đồng thời triển khai nhiều hoạt động tư vấn khởi nghiệp, các cuộc thi về khởi nghiệp ĐMST, Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST (Techfest). Đây chính là những tiền đề để phát triển, mở rộng mạng lưới hệ sinh thái ĐMST trên địa bàn tỉnh, giúp cho các sinh viên, DN trẻ có điều kiện trau dồi, phát triển các kỹ năng về kinh doanh, quản trị, khởi sự DN...
Tại chương trình tọa đàm CĐS - cơ hội và thách thức cho thanh niên ĐMST (chương trình nằm trong chuỗi các hoạt động trong Ngày hội Khởi nghiệp ĐMST - TechFest Đồng Nai năm 2022) diễn ra vào cuối tháng 10-2022, Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Minh Kiên chia sẻ, công nghệ và CĐS gắn liền với những ưu thế của thanh niên, đó là sự nhiệt huyết, năng động, sáng tạo, sự sẵn sàng dấn thân, sẵn sàng trải nghiệm của các bạn trẻ. Trong thời gian tới, Tỉnh đoàn sẽ phối hợp với các sở, ngành liên quan thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đẩy mạnh kết nối khởi nghiệp, kết nối các giải pháp công nghệ số, ĐMST trong cộng đồng thanh niên. Trong đó, sẽ có thêm các chương trình kết nối, giao lưu giữa các bạn trẻ mới khởi nghiệp với những thanh niên đã khởi nghiệp thành công, qua đó tạo thành một cộng đồng thanh niên hỗ trợ nhau khởi nghiệp.
Để thúc đẩy quá trình CĐS trên địa bàn tỉnh, nhất là đối với hoạt động CĐS ở các DN, start-up trên địa bàn tỉnh, Phó giám đốc Sở TT-TT Võ Hoàng Khai cho hay, trong thời gian tới, Sở TT-TT sẽ phối hợp với các sở, ngành địa phương liên quan tiếp tục thúc đẩy các hoạt động CĐS cho DN nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh; xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển DN công nghệ số, thu hút đầu tư của các DN công nghệ số vào các khu công nghiệp. Đồng thời, phát triển các nền tảng giáo dục - y tế trực tuyến, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh...
Phó chủ tịch Hội Tin học TP.HCM PHÍ ANH TUẤN, một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực CĐS chia sẻ, Đồng Nai là một trong những địa phương có cộng đồng DN lớn và đang tiếp tục gia tăng. Đây là tiềm năng lớn cho việc phát triển công nghệ số, ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, kinh doanh. Các DN cần chủ động xác định, xây dựng các mô hình quản trị, vận hành trong môi trường số. Trong đó, cần đánh giá được mức độ sẵn sàng và dữ liệu cho CĐS; tìm ra được những điểm cần bổ sung, hoàn thiện cho xây dựng nền tảng dữ liệu phù hợp với DN để từ đó vận hành, khai thác có hiệu quả hạ tầng công nghệ, cơ sở dữ liệu... |
Hoàng Hải