Báo Đồng Nai điện tử
En

Đổi mới giáo dục để có chất lượng nguồn nhân lực xứng tầm

08:07, 25/07/2023

Trong 10 năm qua, Đồng Nai đã tiếp tục quyết liệt đầu tư cho giáo dục, hàng năm ngân sách được tỉnh bố trí phân bổ cho giáo dục khoảng 40% tổng chi thường xuyên của tỉnh, tương đương trên 5 ngàn tỷ đồng.

Trong 10 năm qua, Đồng Nai đã tiếp tục quyết liệt đầu tư cho giáo dục, hàng năm ngân sách được tỉnh bố trí phân bổ cho giáo dục khoảng 40% tổng chi thường xuyên của tỉnh, tương đương trên 5 ngàn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn hàng ngàn tỷ đồng được đầu tư từ xã hội hóa giáo dục.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh thăm Trường THCS Thống Nhất (TP.Biên Hòa). Ảnh: C.Nghĩa
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh thăm Trường THCS Thống Nhất (TP.Biên Hòa). Ảnh: C.Nghĩa

Theo lãnh đạo ngành GD-ĐT, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04-11-2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Kế hoạch số 194-KH/TU ngày 29-7-2014 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa IX) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” chính là động lực quan trọng để Đồng Nai có thể cụ thể hóa những quyết tâm về chăm lo phát triển giáo dục trong tình hình mới.

* Tạo những chuyển biến căn bản

Nghị quyết số 29-NQ/TW và Kế hoạch số 194-KH/TU đã được tổ chức quán triệt, học tập và từ đó đi vào thực tiễn cuộc sống. Nhiều địa phương như: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch hơn 10 năm về trước tỷ lệ trường chuẩn quốc gia ở mức thấp thì hiện tại đã có những đột phá quan trọng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh: Phải đảm bảo đủ giáo viên cả về số lượng và chất lượng

Muốn có chất lượng giáo dục tốt thì phải đầu tư bài bản cho cơ sở vật chất, chương trình và đội ngũ giáo viên, trong đó chất lượng giáo viên phải là then chốt của chất lượng giáo dục. Vì vậy, phải tiếp tục có chế độ đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ để không chỉ khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên mà phải có được nguồn chất lượng giáo viên thực sự tốt.

Chủ tịch UBND TP.Long Khánh Đỗ Chánh Quang cho hay: “Cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên là 2 vấn đề cốt lõi để nâng cao chất lượng giáo dục, do đó thành phố đã đầu tư trọng tâm và trọng điểm cả về số lượng và chất lượng gắn với đặc điểm tình hình của từng phường, xã”.

Trong 10 năm qua, TP.Long Khánh đã có thêm 1 trường THPT công lập; 1 trường phổ thông liên cấp theo hướng tiếp cận với trình độ giáo dục quốc tế; 1 trung tâm trải nghiệm của trường đại học quốc tế tại TP.HCM được xây dựng ở địa phương với quy mô hiện đại. TP.Long Khánh là địa phương có tỷ lệ trường chuẩn quốc gia thuộc hàng cao nhất tỉnh với tỷ lệ gần 100%.

Trong khi đó, Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch Lê Thành Mỹ cho hay, từ 10 năm trước, H.Nhơn Trạch không quá thiếu trường lớp nhưng lại thiếu các trường lớp có đủ các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên đủ chuẩn. Từ đó, huyện đã tiến hành đầu tư bài bản, những trường nào phải xây dựng mới thì kiên quyết đập bỏ xây mới, trường nào có  thể cải tạo thì đầu tư cải tạo, nâng cấp theo hướng sử dụng lâu dài. Chỉ trong 3 năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025, huyện đã đầu tư 500 tỷ đồng cho xây dựng trường lớp. Đến nay, 39/41 trường của H.Nhơn Trạch đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia.

Nghị quyết số 29-NQ/TW và Kế hoạch số 194-KH/TU không chỉ định hướng cho các địa phương phát triển giáo dục với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể mà các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực giáo cũng có những động lực rất lớn trong quá trình triển khai.

TS Lâm Thành Hiển, Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng cho hay, nhà trường đã tiến hành đổi mới đồng bộ và quyết liệt về giáo dục. Cụ thể, đến nay Trường đại học Lạc Hồng đã kiểm định chất lượng giáo dục lần thứ 2 theo quy định của Bộ GD-ĐT, có 10 ngành đào tạo đã được Mạng lưới các trường đại học ASEAN chứng nhận đạt chuẩn khu vực.

* Vượt qua nhiều thách thức

Năm học 2022-2023 vừa qua, toàn tỉnh có trên 730 ngàn học sinh, số lượng học sinh của tỉnh đứng thứ 5 cả nước, cho thấy những áp lực rất lớn về nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Sĩ số học sinh đông cũng đồng nghĩa với phải đầu tư xây dựng hệ thống trường học đủ khả năng tiếp nhận học sinh. 

Sáng 25-7, tại hội trường Tỉnh ủy, Tỉnh ủy tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Kế hoạch số 194-KH/TU ngày 29-7-2014 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Tại hội nghị, 21 tập thể và 20 cá nhân xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW và Kế hoạch số 194- KH/TU  được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Đăng Bảo Linh cho hay, đến nay toàn tỉnh đã có trên 316 trường tiểu học, 182 trường THCS, 77 trường THPT. Tuy nhiên, hệ thống trường phổ thông ở một số địa phương, đặc biệt là tại TP.Biên Hòa hiện vẫn chưa đủ đáp ứng theo  chuẩn của Bộ GD-ĐT. Nhiều trường vẫn phải tiếp nhận học sinh vượt quá sĩ số 35 học sinh/lớp đối với bậc tiểu học và 45 học sinh/lớp với bậc THCS.

 Vượt qua những thách thức, các cơ sở giáo dục trong tỉnh tập trung đổi mới phương pháp dạy và học, lấy học sinh làm trung tâm; đầu tư trang thiết bị dạy học hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với thường xuyên coi trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên. Minh chứng cụ thể cho những nỗ lực của tỉnh đối với giáo dục là tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT từ năm học 2014 trở lại đây đều tăng. Nếu như năm học 2014-2015 tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT chỉ đạt 91,86% thì năm 2022-2023 đã tăng lên 97,08%. Hàng năm, tỉnh đều có học sinh tham dự và đoạt các giải cao tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia bậc THPT.

Một trong những điểm sáng của phát triển giáo dục Đồng Nai trong 10 năm qua là tiếp tục thu hút các nguồn lực cho giáo dục theo mô hình xã hội hóa, từ đó huy động thêm nguồn lực của xã hội, đồng thời giảm gánh nặng cho ngân sách. So với cả nước, Đồng Nai là một trong những địa phương thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục. Năm 2023, trường ngoài công lập ở bậc học mầm non có 157/376 trường (đạt tỷ lệ 41,7%); cấp THPT có 27/77 trường (đạt tỷ lệ 35,06%). Tỷ lệ trường tư thục của Đồng Nai là 20%, cao gấp 3 lần so với bình quân của cả nước.

Trong giai đoạn hội nhập quốc tế, cùng với nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong trường học, Sở GD-ĐT đã chủ động tạo điều kiện để phát triển hệ thống các trung tâm ngoại ngữ, tin học, góp phần tạo điều kiện cho mọi đối tượng đều có thể tiếp cận với việc học tin học và ngoại ngữ. Theo Phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT, tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 250 trung tâm ngoại ngữ, các trung tâm được đầu tư đảm bảo điều kiện, tổ chức hoạt động đúng quy định.


Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng: Tiếp tục thu hút tư nhân đầu tư vào giáo dục

Cùng với nguồn lực từ Nhà nước, trong những năm qua, các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực giáo dục đã có những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp phát triển giáo dục của tỉnh. Không chỉ chia sẻ với Nhà nước, các trường tư thục còn có chất lượng giáo dục tốt, đi tiên phong trong hội nhập giáo dục, tiếp cận với trình độ quốc tế.

Trưởng phòng GD-ĐT H.Long Thành Nguyễn Văn Toàn: Tăng tốc đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ sân bay

Huyện Long Thành đang đứng trước những cơ hội lớn để phát triển, đặc biệt là sắp tới cảng hàng không quốc tế Long Thành đi vào hoạt động. Nhưng muốn phát triển được và tận dụng cơ hội phát triển thì phải có đội ngũ nguồn nhân lực đồng bộ, từ giáo dục đến các lĩnh vực khác. Nhân lực giáo dục phải đóng vai trò khởi nguồn để tạo ra chất lượng nhân lực chung cho huyện.


Công Nghĩa

Tin xem nhiều