Báo Đồng Nai điện tử
En

Cùng thanh niên nông thôn lập nghiệp, khởi nghiệp

07:07, 07/07/2023

Lập nghiệp, khởi nghiệp góp phần kiến thiết đất nước là một trong những sứ mệnh quan trọng của thanh niên trong giai đoạn hiện nay. Việc đồng hành, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của tổ chức Đoàn.

Lập nghiệp, khởi nghiệp góp phần kiến thiết đất nước là một trong những sứ mệnh quan trọng của thanh niên trong giai đoạn hiện nay. Việc đồng hành, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của thanh niên, nhất là thanh niên nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của tổ chức Đoàn.

Tỉnh đoàn tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên có sản phẩm khởi nghiệp trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại chương trình Thanh niên nông thôn sáng tạo khởi nghiệp được tổ chức mới đây
Tỉnh đoàn tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên có sản phẩm khởi nghiệp trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại chương trình Thanh niên nông thôn sáng tạo khởi nghiệp được tổ chức mới đây

Bên cạnh các hoạt động tuyên truyền nhằm lan tỏa phong trào lập nghiệp, khởi nghiệp trong thanh niên, các cấp bộ Đoàn đã chủ động phối hợp với các ngành tổ chức nhiều hoạt động đồng hành, hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp...

Đồng hành, hỗ trợ thanh niên

Phó bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh Nguyễn Hiếu Trung cho biết, tư vấn, hỗ trợ về mặt thông tin, kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, phát triển kinh tế là một trong những hoạt động được tổ chức Đoàn, Hội quan tâm triển khai thực hiện nhằm hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp.

Hàng năm, Tỉnh đoàn đều phối hợp với các ngành chức năng hoặc mời báo cáo viên là các chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp tập huấn về khởi nghiệp, các lớp chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật... Tỉnh đoàn còn tổ chức các diễn đàn về khởi nghiệp, bàn giải pháp hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp gắn với chương trình Mỗi xã một sản phẩm… Từ đó, giúp đoàn viên thanh niên hình thành ý tưởng khởi nghiệp, xây dựng kế hoạch kinh doanh để biến ý tưởng khởi nghiệp thành hiện thực và biết cách để thúc đẩy quá trình sản xuất, kinh doanh phát triển.

Phó bí thư Tỉnh đoàn NGUYỄN HIẾU TRUNG cho biết, thời gian tới, bên cạnh việc duy trì các hoạt động đã có, Tỉnh đoàn sẽ tổ chức các hoạt động kết nối để hỗ trợ phân phối và tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên.

Điển hình như trong chương trình Thanh niên nông thôn sáng tạo khởi nghiệp được tổ chức mới đây, Tỉnh đoàn đã mời anh Lê Hồng Đức, Trưởng phòng Giải pháp quảng cáo Công ty CP Giải pháp công nghệ Haravan (TP.HCM) chia sẻ kiến thức về khởi nghiệp, lập nghiệp; những thông tin liên quan đến sàn thương mại điện tử và kinh tế số… Thông qua buổi nói chuyện giúp cho đoàn viên thanh niên biết được một số sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam hiện nay; vai trò của  thương mại điện tử; cơ chế hoạt động của sàn thương mại điện tử…

Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn đã vận động nguồn lực, kết nối với các đơn vị để hỗ trợ vốn cho thanh niên trong quá trình khởi nghiệp, phát triển kinh tế thông qua nguồn vốn Quỹ Đồng hành với thanh niên, Ngân hàng Chính sách xã hội. Tại một số huyện như: Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu đã thành lập được Quỹ Đồng hành với thanh niên để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.

Các cấp bộ Đoàn cũng tích cực vận động đoàn viên thanh niên có chung ngành nghề thành lập các mô hình kinh tế tập thể nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh. Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh đã thành lập được 6 HTX, 61 tổ hợp tác và 172 CLB Thanh niên phát triển kinh tế, 11 CLB Thanh niên khởi nghiệp. Các HTX, CLB, tổ hợp tác thường xuyên tổ chức cho các thành viên tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh.

Để động viên, khuyến khích thanh niên tích cực lập nghiệp, khởi nghiệp, hàng năm, Tỉnh đoàn đều xét chọn tuyên dương các cá nhân thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi, doanh nhân tiêu biểu, doanh nghiệp trẻ… Đồng thời, đề cử tham gia các giải thưởng cấp trung ương.

Thêm động lực để khởi nghiệp, lập nghiệp

Thông qua các hoạt động đồng hành, hỗ trợ của tổ chức Đoàn, nhiều thanh niên nông thôn đã nhận thấy được vấn đề lập nghiệp, khởi nghiệp sẽ giúp bản thân ổn định cuộc sống ngay tại quê nhà, có thêm điều kiện để đóng góp cho xã hội. Với suy nghĩ ấy, nhiều đoàn viên thanh niên đã mạnh dạn khởi nghiệp, lập nghiệp.

Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi (áo trắng) trao đổi với đoàn viên thanh niên về vấn đề lập nghiệp, khởi nghiệp tại chương trình Thanh niên nông thôn sáng tạo khởi nghiệp do Tỉnh đoàn tổ chức
Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi (áo trắng) trao đổi với đoàn viên thanh niên về vấn đề lập nghiệp, khởi nghiệp tại chương trình Thanh niên nông thôn sáng tạo khởi nghiệp do Tỉnh đoàn tổ chức. Ảnh: NGA SƠN

Năm 2020, chị Lê Thị Thanh Tuyền (ngụ xã Vĩnh Thanh, H.Nhơn Trạch) bắt đầu mở xưởng gia công, trong đó chủ yếu là gia công các loại mũ cho công ty. Theo chia sẻ của chị Thanh Tuyền, thời gian đầu mới mở xưởng, chị gặp không ít khó khăn, chị phải vay mượn khắp nơi để đầu tư máy móc trang thiết bị. Bên cạnh đó, hàng hóa thay đổi mẫu mã liên tục nên việc gia công gặp nhiều khó khăn.

“Có lúc tôi muốn bỏ cuộc nhưng được sự hỗ trợ của người thân, bạn bè và sự quan tâm của chính quyền địa phương, trong đó có tổ chức Đoàn đã giúp tôi có thêm động lực vượt qua khó khăn” - chị Tuyền cho hay. Với phương châm lấy công làm lời, lấy đam mê nghề nghiệp làm động lực, đặt khách hàng làm trung tâm và nhất là vấn đề việc làm, đời sống của những người lao động đã gắn bó với xưởng từ những ngày đầu, chị liên tục tìm kiếm nguồn hàng nhằm tạo việc làm cho người lao động. Từ đó, doanh thu của xưởng dần tăng lên. Năm 2022, doanh thu xưởng của chị đạt 1,2 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 50-60 lao động trên địa bàn xã với mức thu nhập từ 5-12 triệu đồng/người/tháng.

Từ một người không có một đồng vốn trong tay, phải đi làm thuê, anh Vũ Đức Kính (hiện là Chủ nhiệm CLB Thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi xã Phú Trung, H.Tân Phú) đã lựa chọn mô hình trồng hoa lan để khởi nghiệp.

Anh Kính cho biết, sau 2 năm đi làm thuê cùng với mẹ, anh tích cóp được 20 triệu đồng để khởi nghiệp. Không có gì ngoài niềm đam mê với hoa lan nên ban đầu khởi nghiệp với anh gặp vô vàn khó khăn. Mỗi khi gặp phải những khúc mắc, anh lên mạng tìm đọc, xem hướng dẫn kỹ thuật trồng lan, thậm chí tìm đến các nhà vườn trồng hoa lan để học hỏi kinh nghiệm. Bên cạnh đó, anh còn tham gia các hội nhóm yêu thích hoa lan trên mạng xã hội. Đồng thời, hàng năm anh đều đăng ký tham gia các cuộc thi sinh vật cảnh cấp huyện… Nhờ đó, mô hình hoa lan của anh được nhiều người biết đến, vườn hoa lan đem lại thu nhập bình quân mỗi năm trên 150 triệu đồng.

Nga Sơn

Tin xem nhiều