Nhằm sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Đồng Nai đã thực hiện một số mô hình kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý, trong đó có việc trưởng ban dân vận kiêm chủ tịch ủy ban MTTQ cấp huyện.
Nhằm sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Đồng Nai đã thực hiện một số mô hình kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý, trong đó có việc trưởng ban dân vận kiêm chủ tịch ủy ban MTTQ cấp huyện.
Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Đào Văn Phước nắm bắt tình hình công tác dân vận ở H.Cẩm Mỹ. Ảnh: P.HẰNG |
Việc thực hiện các mô hình kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý đã giảm đầu mối, giảm con người và tiết kiệm ngân sách chi trả lương…, nhưng sau một thời gian thực hiện, mô hình này đã bộc lộ những khó khăn, bất cập.
Những kết quả tích cực
Phó bí thư thường trực Huyện ủy Thống Nhất Nguyễn Huy Du cho biết, việc kiêm nhiệm cùng lúc 2 chức danh lãnh đạo như trưởng ban dân vận kiêm chủ tịch ủy ban MTTQ huyện đã khiến cán bộ được giao nhiệm vụ này rất vất vả vì khối lượng công việc nhiều. Song, với tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, đội ngũ cán bộ thực hiện kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo đều được Huyện ủy đánh giá mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Việc kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo giúp cán bộ được rèn luyện, nâng cao trình độ và năng lực công tác. Mặt khác, đồng chí được giao nhiệm vụ kiêm nhiệm chức danh lãnh đạo là ủy viên ban thường vụ huyện ủy nên các chủ trương, chỉ đạo của cấp ủy được đồng chí tiếp cận nhanh và triển khai kịp thời, không qua khâu trung gian, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận, tôn giáo trong Đảng bộ huyện.
Phó bí thư thường trực Huyện ủy Vĩnh Cửu NGUYỄN TẤN PHƯỚC cho rằng, trước 2 luồng ý kiến khác nhau, có địa phương đề nghị giữ nguyên, có địa phương đề nghị tách, Ban TVTU nên có chỉ đạo thống nhất mô hình trưởng ban dân vận kiêm chủ tịch ủy ban MTTQ cấp huyện. Nếu đã tách thì tách hết, không nên nơi thì thực hiện, nơi không thực hiện. |
Ở H.Vĩnh Cửu, mô hình trưởng ban dân vận kiêm chủ tịch ủy ban MTTQ huyện cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Phó bí thư thường trực Huyện ủy Vĩnh Cửu Nguyễn Tấn Phước cho hay, so với các huyện khác, Vĩnh Cửu được Tỉnh ủy giao biên chế ít hơn. Vì thế, Huyện ủy đã phân bổ chỉ tiêu biên chế khối Đảng, đoàn thể ít hơn các khối khác. Theo đó, trưởng ban dân vận Huyện ủy là biên chế của Ban Dân vận Huyện ủy và cơ quan này chỉ có 3 người, gồm trưởng ban, phó trưởng ban và chuyên viên; còn Ủy ban MTTQ huyện được 5 biên chế. Huyện ủy đã chỉ đạo xây dựng quy chế hoạt động của trưởng ban dân vận và chủ tịch ủy ban MTTQ huyện để công việc giữa các cơ quan được rõ ràng. Đồng thời thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn để cán bộ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Đào Văn Phước thông tin, hiện nay 11/11 đơn vị cấp huyện đã thực hiện mô hình trưởng ban dân vận kiêm chủ tịch ủy ban MTTQ. Qua báo cáo của ban dân vận các huyện, thành phố, việc thực hiện mô hình trưởng ban dân vận kiêm chủ tịch ủy ban MTTQ đã có những thuận lợi nhất định. Vai trò, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ của cán bộ được phân công phụ trách trong công tác tham mưu cấp ủy lãnh đạo về công tác dân vận, mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội được nâng cao hơn. Mô hình này không chỉ giảm đầu mối, giảm con người, tiết kiệm ngân sách chi trả lương mà còn tạo bước đột phá trong quá trình sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn.
8/11 huyện, thành phố kiến nghị dừng mô hình
Tuy nhiên, trong thực hiện mô hình này còn nhiều khó khăn, bất cập. Cụ thể như, mặc dù chức năng, nhiệm vụ của ban dân vận và MTTQ có nhiều điểm tương đồng, cùng thực hiện công tác tuyên truyền, nắm bắt tình hình nhân dân, vận động quần chúng, thực hiện công tác đối với dân tộc, tôn giáo… nhưng đi sâu vào chức năng, nhiệm vụ từng đơn vị trên từng lĩnh vực lại mang tính độc lập. Do vậy, việc nhất thể hóa chức năng chỉ là giảm đi 1 biên chế nhưng công việc tăng thêm rất nhiều, tập trung vào người đứng đầu, do đó gây áp lực về trách nhiệm, thời gian thực hiện.
Bên cạnh đó, một người giữ 2 chức vụ lãnh đạo ở 2 cơ quan khác nhau, trong trường hợp nếu các hội nghị trùng nhau và yêu cầu người đứng đầu tham dự thì không có cán bộ đi họp hoặc cán bộ phải đi họp rất nhiều, không còn thời gian đi cơ sở nắm tình hình, trong khi công tác dân vận và mặt trận rất cần phải đi cơ sở.
Ngoài ra, chế độ chính sách trong việc nhất thể hóa chức danh lãnh đạo còn nhiều bất cập. Đối với chức danh trưởng ban dân vận được hưởng lương và nguồn kinh phí khoán hoạt động nhưng chức danh chủ tịch MTTQ lại không được giao kinh phí khoán hoạt động, do đó khó khăn trong thanh toán chế độ công tác phí, thực hiện công tác ngoài giờ… cho chức danh này.
Từ những thuận lợi, bất cập nêu trên, theo Ban Dân vận Tỉnh ủy có 8/11 ban dận cấp huyện kiến nghị dừng thực hiện mô hình trưởng ban dân vận kiêm chủ tịch ủy ban MTTQ cấp huyện gồm các huyện: Tân Phú, Cẩm Mỹ, Định Quán, Nhơn Trạch, Long Thành, Trảng Bom, TP:Biên Hòa và TP.Long Khánh.
2 huyện Xuân Lộc và Vĩnh Cửu nhất trí tiếp tục thực hiện mô hình này. Riêng H.Thống Nhất có ý kiến, nếu cho tách chức danh trưởng ban dân vận với chủ tịch ủy ban MTTQ cấp huyện thì tách ra hoạt động sẽ hiệu quả hơn; trong trường hợp vẫn thực hiện việc kiêm nhiệm thì kiến nghị quan tâm chế độ phụ cấp cho cán bộ được phân công phụ trách kiêm nhiệm.
Trên cơ sở kiến nghị của ban dân vận cấp huyện, Ban Dân vận Tỉnh ủy đề nghị Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu Ban TVTU thống nhất chủ trương dừng thực hiện mô hình trưởng ban dân vận kiêm chủ tịch ủy ban MTTQ cấp huyện ở những địa phương đã có kiến nghị dừng thực hiện mô hình này. Đối với những địa phương có nguyện vọng, nhu cầu và đủ điều kiện thì tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên cần có chính sách, chế độ liên quan mô hình này cho phù hợp.
Phương Hằng