Báo Đồng Nai điện tử
En

Thi đua khen thưởng là động lực

03:06, 01/06/2022

Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) là một trong 5 dự án luật đang được Quốc hội tiến hành xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Đây cũng là một trong những dự án luật nhận được nhiều sự quan tâm của người dân và đại biểu Quốc hội.

Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) là một trong 5 dự án luật đang được Quốc hội tiến hành xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đang diễn ra.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang trao tặng bằng khen cho các điển hình tiên tiến tiêu biểu trong phong trào Thi đua yêu nước của tỉnh năm 2021. Ảnh: H.THẢO
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang trao tặng bằng khen cho các điển hình tiên tiến tiêu biểu trong phong trào Thi đua yêu nước của tỉnh năm 2021. Ảnh: H.THẢO

Đây cũng là một trong những dự án luật nhận được nhiều sự quan tâm của người dân và đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong cả nước cũng như Đồng Nai, bởi đối tượng chịu ảnh hưởng rộng và có nhiều quy định mới.

* Nhiều điểm mới

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, trong phiên thảo luận về dự án luật này, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, từ sau Kỳ họp thứ 2 đến nay, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan của Quốc hội, tiếp thu tối đa ý kiến của ĐBQH, tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo chuyên gia, các nhà khoa học cũng như các cấp, các ngành và các đối tượng tác động... Đến nay, dự án luật này đã được sửa đổi căn bản, toàn diện với 96 điều, trong đó có tới 88 điều được làm mới, sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý và chỉ còn giữ nguyên 7 điều.

Trưởng ban Thi đua - khen thưởng tỉnh THÁI BÌNH DƯƠNG cho hay: “Tại Đồng Nai thời gian qua, khen thưởng cho đối tượng là người lao động trực tiếp, nông dân, công nhân được chú trọng hơn trước; công tác khen thưởng đã được thực hiện kịp thời, thực chất, có tác dụng nêu gương… Qua đó, đã góp phần tạo động lực, khí thế sôi nổi, giúp phong trào thi đua thực sự phát triển sâu rộng trong toàn xã hội, trở thành động lực to lớn của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh”.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng nhằm bảo đảm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về “tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào Thi đua yêu nước và công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.

Đáng chú ý, trong dự thảo luật có 8 nhóm điểm mới nổi bật. Đó là việc thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh hơn trong công tác thi đua, khen thưởng; thể hiện rõ nguyên tắc “thành tích đến đâu, khen đến đó” và đề cao tính kịp thời của hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được. Chú trọng đưa phong trào thi đua thực sự thiết thực, hướng về cơ sở, gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, gắn với lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua, hạn chế tính hình thức trong thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở 4 khâu (phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến). Chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ…; quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo…

Thảo luận ở hội trường tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội XV về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này, đã có 24 ý kiến phát biểu và 4 ý kiến tranh luận. Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã đề nghị Ủy ban Xã hội của Quốc hội tiếp tục chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan hữu quan tiếp thu thấu đáo ý kiến của các ĐBQH, hoàn thiện dự án luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.

* Tích cực đóng góp cho dự án luật

Cùng với nhiều dự án luật khác, trước đó, các ĐBQH đơn vị tỉnh Đồng Nai đã tích cực đóng góp ý kiến nhằm góp sức vào quá trình xây dựng dự án luật này.

Ngay từ trong khuôn khổ chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh đã thảo luận sôi nổi ở tổ cho ý kiến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Trong buổi thảo luận, các ĐBQH tỉnh nhấn mạnh, việc sửa đổi luật này là rất cần thiết, phù hợp. Qua đó, thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, khắc phục những bất cập của các quy định hiện hành; đồng thời, bổ sung những vấn đề phát sinh phù hợp với thực tiễn về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình mới và bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Cùng với việc tập trung phân tích những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện luật hiện hành, các ĐBQH tỉnh đã nêu nhiều ý kiến tâm huyết xoay quanh những điểm mới nổi bật mà dự án luật đề cập. Trong đó, các ĐBQH tỉnh đã bày tỏ sự đồng tình, tâm đắc với nội dung chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp, quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa… Cùng với đó, nhất trí cao việc đưa phong trào thi đua thực sự thiết thực, hướng về cơ sở, gắn kết với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, gắn với lợi ích của người trực tiếp tham gia thi đua, hạn chế tính hình thức trong thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ trong phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quản Minh Cường bày tỏ kỳ vọng, Luật Thi đua, khen thưởng phải làm sao đưa ra cơ chế, điều kiện cụ thể, rõ ràng để tạo điều kiện thúc đẩy các phong trào thi đua, phải tạo ra những động lực và xung lực to lớn trong toàn xã hội, khuyến khích, động viên các cấp, các ngành, các tập thể, cá nhân và toàn dân phát huy hơn nữa lòng yêu nước, tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đoàn kết, hăng hái thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.    

Hồ Thảo

Tin xem nhiều