Báo Đồng Nai điện tử
En

Quốc hội thảo luận về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước...

08:06, 01/06/2022

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, trong 2 ngày 1 và 2-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, trong 2 ngày 1 và 2-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước gặp gỡ Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường trong giờ nghỉ giải lao sáng 1-6. Ảnh: H.Yến
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước gặp gỡ Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường trong giờ nghỉ giải lao sáng 1-6. Ảnh: H.Yến

Trong phiên thảo luận ngày 1-6, đã có 50 ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và 1 ý kiến tranh luận. Trong đó, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai có 2 ý kiến phát biểu và 1 ý kiến tranh luận.

Theo đó, đại biểu Trịnh Xuân An của Đồng Nai phát biểu tán thành với các nhóm giải pháp, nhiệm vụ rất toàn diện được nêu trong Báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nêu ra.

Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, Chính phủ cần khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về tài khóa, tiền tệ trong Nghị quyết 43 và các nghị quyết theo kế hoạch 5 năm của Quốc hội. Năm 2022 có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện chương trình phát triển KT-XH. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Nghị quyết 43 và các chính sách, chủ trương lớn được triển khai rất chậm. Công tác giải ngân, hỗ trợ cho các đối tượng bị tác động của đại dịch Covid-19 chưa được thực hiện dứt điểm.... Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn trong triển khai, cải cách thủ tục hành chính, bỏ những thủ tục rườm rà, nội dung nào đúng thẩm quyền quyết định ngay, tránh tình trạng xin ý kiến lòng vòng giữa các cơ quan, các bộ, ngành và dồn mọi việc lên cho Chính phủ và Thủ tướng…

Trước diễn biến khó khăn của kinh tế thế giới, sức ép của lạm phát, cần có chính sách bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn giá cả hàng hóa, nhất là xăng dầu, vật tư nông nghiệp và nguyên - vật liệu xây dựng, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị cần tăng cường kiểm soát lạm phát, duy trì lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguốn vốn; kiểm soát nợ xấu; có chính sách quan tâm đặc biệt đến các đối tượng dễ bị tác động bởi tăng giá là nông dân và công nhân lao động tại các khu công nghiệp, hỗ trợ tối đa để người lao động không phải bất đắc dĩ rút bảo hiểm xã hội một lần, nhất là ở các địa bàn trọng điểm như Đồng Nai…

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Bùi Xuân Thống phát biểu tại phiên họp chiều 1-6. Ảnh: Hải Yến
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Bùi Xuân Thống phát biểu tại phiên họp chiều 1-6. Ảnh: Hải Yến

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Bùi Xuân Thống, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, đã đề xuất các giải pháp phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em hiệu quả. Liên quan đến công tác bảo vệ rừng, đại biểu Bùi Xuân Thống đã chuyển đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tâm tư, nguyện vọng của cử tri Đồng Nai trước đề xuất xây cầu Mã Đà nối quốc lộ 13C đi qua vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai.

Theo đó, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai là tài sản vô giá của Đồng Nai, khu vực miền Đông Nam bộ và của cả nước mà nhân dân Đồng Nai đã cố gắng gìn giữ, bảo vệ; ngay từ những năm 1990 đã đóng cửa rừng để bảo tồn, bảo vệ rừng và đa dạng sinh học ở khu vực này. Việc đề xuất xây dựng tuyến quốc lộ 13C đi qua vùng lõi Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai, các chuyên gia, nhà khoa học cảnh báo sẽ phá vỡ cảnh quan, hệ sinh thái rừng tự nhiên, gây nhiều tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học, công tác bảo tồn thiên nhiên và những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường. Những giá trị kinh tế đem lại chắc hẳn sẽ không thể đánh đổi được so với những tác hại về môi trường sinh thái của khu vực này. Do đó, cử tri, chính quyền tỉnh Đồng Nai rất mong Chính phủ, các bộ, ngành nghiên cứu để có những giải pháp khả thi bảo vệ vùng lõi của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai trong thời gian tới.

Tranh luận tại phiên họp về tổng kết Nghị quyết 42 thí điểm xử lý nợ xấu, đại biểu Nguyễn Công Long của Đồng Nai cho biết, qua theo dõi các ý kiến tại phiên họp, các đại biểu đều cho rằng cần tiếp tục xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42. Đại biểu Nguyễn Công Long cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, vấn đề tiếp tục cơ chế này là cần thiết, nhưng đề nghị Chính phủ và đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước cần đánh giá kỹ tất cả những tác động cả thuận lẫn nghịch của cơ chế này.

Theo đại biểu, bất kỳ một phương thuốc nào dù có công dụng đến mấy thì luôn luôn để lại tác dụng phụ, cơ chế xử lý theo Nghị quyết 42 là phương thức rất hiệu quả và đã được chứng minh qua thực tế. Tuy nhiên, cần phải đánh giá hệ lụy của nó, trong bất kỳ một nền kinh tế nào khi có nợ tăng cao, đe dọa đến nền kinh tế và gây bất ổn thì Nhà nước phải can thiệp. Tuy nhiên, quá trình này luôn gắn liền với việc cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng. Đây là cuộc thanh lọc rất gắt gao, các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại khôi phục, phục hồi hiệu quả thì tồn tại, còn không có sẽ bị thải loại...

Kết luận phiên thảo luận chiều 1-6, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội ghi nhận các ý kiến của các ĐBQH thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, sâu sắc về các nội dung: tập trung đánh giá về tình hình KT-XH, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH, hiến kế để đẩy mạnh việc triển khai các công trình, dự án đầu tư công, phát triển kinh tế vùng chính sách để phát huy, bảo tồn văn hóa các dân tộc về đời sống và nhà ở cho công nhân lao động; về bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái rừng tự nhiên; về xử lý nợ xấu và việc kéo dài thời hạn của Nghị quyết 42 của Quốc hội…

Sáng nay 2-6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường.

L.V (tổng hợp)   

Tin xem nhiều