Sáng 14-6, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 57.
Sáng 14-6, với sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 57.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên họp xem xét, cho ý kiến về các nội dung: Hội đồng Bầu cử quốc gia báo cáo tổng kết bước đầu cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (dự kiến khai mạc vào ngày 20-7).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung để hoàn thiện các báo cáo tờ trình Quốc hội gồm: chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022; báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tài chính, ngân sách 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022.
Ủy ban Thường vụ xem xét, quyết định việc phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Vương quốc Campuchia và việc kiện toàn thành viên Hội đồng thẩm phán TAND tối cao. Phiên họp thứ 57 dự kiến kéo dài đến ngày 15-6.
Tại phiên họp ngày 14-6, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Bùi Văn Cường đã đọc báo cáo tổng kết bước đầu cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Hội đồng Bầu cử quốc gia tiếp thu tối đa các ý kiến phát biểu tại phiên họp; đồng thời cho rằng, cần nhấn mạnh những điểm sáng, đó là kết quả lần đầu tiên đã đạt được như: lần đầu tiên Quốc hội có đại diện 2 dân tộc thiểu số rất ít người tham gia; lần đầu tiên có tỷ lệ đi bầu cao; từ Quốc hội khóa VI đến nay có tỷ lệ nữ đại biểu cao nhất (có so sánh tương aquan với khu vực và thế giới).
Tại cuộc bầu cử lần này, lần đầu tiên cử tri trên đảo Trường Sa Lớn (TT.Trường Sa) đi bầu cùng thời điểm với cử tri cả nước. Lần đầu tiên ứng cử viên tiếp xúc cử tri bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đây là kinh nghiệm tốt không chỉ áp dụng trong điều kiện, hoàn cảnh đặc biệt mà còn có thể áp dụng cho cả tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội...
TTXVN