Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 với đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 với đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
ThS Phạm Xuân Hà, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tại hội thảo |
[links()]Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân cả nước cùng ra trận, kết hợp chặt chẽ giữa các đòn tiến công của bộ đội chủ lực, lực lượng vũ trang địa phương với đấu tranh chính trị và nổi dậy của quần chúng nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp, làm cho địch nhanh chóng suy sụp và tan rã, tiến lên giành thắng lợi quyết định. Đóng góp vào thắng lợi chung đó có vai trò quan trọng của hoạt động đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang trên hướng Đông Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
* Phối hợp chặt chẽ giữa đòn tiến công quân sự với phong trào nổi dậy của quần chúng
Ngày 22 -4 -1975, Bộ Chính trị ban hành công điện về nắm vững thời cơ, kịp thời phát động tổng tiến công kết hợp với nổi dậy của quần chúng Sài Gòn - Gia Định. Do đó, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh tổ chức 5 cánh quân tiến công (đột phá, thọc sâu) trên 5 hướng vào 5 cụm mục tiêu trọng yếu của địch trong nội đô TP.Sài Gòn. Trên hướng Đông Nam, Mỹ và chính quyền Sài Gòn tổ chức lực lượng phòng ngự mạnh, được xây dựng thành từng cụm dựa vào các căn cứ lớn, có công sự vững chắc. Nhằm đập tan tuyến phòng ngự vững chắc của địch, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh giao cho Quân đoàn 2 đảm nhiệm tiến công trên hướng Đông Nam. Để hướng tiến công của Quân đoàn 2 đạt hiệu quả chiến đấu cao, bảo đảm thời gian quy định, đòi hỏi phải phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các thành phần, lực lượng, đặc biệt là sự kết hợp giữa đòn tiến công quân sự với hoạt động nổi dậy của quân và dân trên địa bàn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Thực hiện nhiệm vụ trên giao, Tỉnh ủy Biên Hòa triệu tập cuộc họp khẩn gồm lãnh đạo chủ chốt các địa phương và yêu cầu chuẩn bị và phối hợp hành động với Quân đoàn 2.
Điều cần nhấn mạnh là sức mạnh của lực lượng vũ trang là sức mạnh của toàn dân. Có thể khẳng định, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đấu tranh chính trị đã góp phần to lớn cùng lực lượng vũ trang hoàn thành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975. Mũi tiến công quân sự luôn đi trước một bước, giữ vai trò quyết định, đánh tiêu diệt lớn, đè bẹp sự kháng cự của lực lượng chiến lược mạnh nhất của địch. Đòn tiến công quân sự tạo ra thế và lực cho đòn nổi dậy của quần chúng diễn ra như vũ bão, rộng khắp, kịp thời. |
Với sự chuẩn bị kịp thời, chu đáo, vào 17 giờ ngày 26-4-1975, trên hướng Đông Nam Sài Gòn, cuộc tiến công của quân và dân ta chính thức bắt đầu bằng hỏa lực pháo binh dồn dập bắn vào các căn cứ địch. Trong lúc này, quân và dân trên địa bàn đã nổi dậy đấu tranh, phối hợp cùng đòn tiến công quân sự, giáng thêm những đòn chí mạng vào chính quyền, quân đội Sài Gòn, khiến cho các tuyến phòng thủ của địch nhanh chóng suy sụp, tan rã.
Kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với bộ đội chủ lực, lực lượng vũ trang tại chỗ tổ chức đánh chiếm các vị trí quan trọng của địch, làm nòng cốt cho các tầng lớp nhân dân nổi dậy, tiếp quản các cơ sở chính trị, quân sự, nhà máy, công sở trong các thị xã, thành phố, tham gia xây dựng chính quyền cơ sở, duy trì an ninh, trật tự trị an vùng mới giải phóng. Được lực lượng vũ trang tại chỗ và quần chúng hỗ trợ, Sư đoàn 3 đánh thẳng vào TX.Bà Rịa và Trung tâm Huấn luyện Vạn Kiếp, Sư đoàn 304 đánh chiếm khu căn cứ Nước Trong, Sư đoàn 325 tiến đánh Nhơn Trạch. Trên hướng Rừng Sác, Đoàn 10 đã hỗ trợ cho du kích và nhân dân nổi dậy tiến công địch, giải phóng các xã Phước Khánh, Giồng Ông Đông, Tam Thôn Hiệp, Lý Nhơn.
Ngày 29-4, Sư đoàn 325 đánh chiếm và làm chủ chi khu Nhơn Trạch. Bộ đội địa phương cùng dân công Nhơn Trạch chuẩn bị trận địa pháo tại Giăng Lò (Phú Hội), đồi Bình Phú (Long Tân) để các loại pháo lớn của sư đoàn, quân đoàn bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất và các mục tiêu trong nội đô Sài Gòn. Du kích các xã Phước Lai, Phước Long, Phước Thọ, Phước An kết hợp cùng quần chúng nổi dậy giải phóng xã. Các địa phương đều chủ động, tích cực thực hiện phương châm huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã, kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy và làm chủ của quần chúng.
Sự phối hợp chặt chẽ hoạt động của đòn tiến công quân sự với phong trào nổi dậy mạnh mẽ của quần chúng đã làm thất bại những nỗ lực cuối cùng của địch. Đặc biệt, các hoạt động nổi dậy của quần chúng đã tạo thuận lợi cho mũi tiến công chủ lực phát triển nhanh chóng về mục tiêu chủ yếu. Ngày 29-4, tại Sở Cao su Bình Sơn, bộ đội huyện và du kích làm nòng cốt phát động nhân dân nổi dậy buộc Tiểu đoàn 347 bảo an quân đội Sài Gòn đang đóng ở đây phải tháo chạy. Phát huy khí thế thắng lợi, bộ đội huyện cùng du kích tiến hành truy kích, bắt hàng trăm tên địch, sau đó vận động quần chúng nổi dậy giải phóng hoàn toàn xã Long Phước, Phước Thái, Long An, Lộc An. Vào đêm 29-4, toàn bộ lực lượng bên trong nội ô TX.Biên Hòa đã kết hợp chặt chẽ với lực lượng bên ngoài, nổi dậy cướp chính quyền tại chỗ. Chi bộ chợ Biên Hòa đã tổ chức lực lượng quần chúng kéo vào phá khám Biên Hòa, giải thoát hàng trăm tù nhân bị địch giam giữ.
* Mở đường tiến công
Để đảm bảo đường tiến công, Bộ Tư lệnh Chiến dịch giao nhiệm vụ cho các đơn vị đặc công đánh chiếm và giữ các cây cầu trên đường từ Biên Hòa vào Sài Gòn. Nhờ sự giúp đỡ của nhân dân trên địa bàn, Tiểu đoàn 19 đặc công Trung đoàn 116 đánh và chiếm giữ cầu Đồng Nai; hai tiểu đoàn 40 và 25 cùng du kích xã, biệt động TP.Biên Hòa phát động quần chúng nổi dậy cùng lực lượng vũ trang tước vũ khí địch, giải phóng 4 xã Phước Tân, Long Bình, Long Hưng, An Hòa; Tiểu đoàn 23, Trung đoàn đặc công 113 đánh chiếm giữ cầu Ghềnh, cầu Rạch Cát. Rạng sáng 30-4, Lữ đoàn xe tăng 203 đến cầu Đồng Nai. Trung đoàn 116 đặc công được lệnh hướng dẫn Lữ đoàn 203 tiến về Sài Gòn. Trung đoàn 209, Sư đoàn 7 chiếm và làm chủ tổng kho Long Bình. 11 giờ cùng ngày, Sư đoàn 6 và Sư đoàn 1 chiếm Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 và sân bay Biên Hòa.
Thực hiện lệnh Tổng công kích của Bộ Tư lệnh chiến dịch, các cánh quân đẩy nhanh nhịp độ hành quân, đánh vào các mục tiêu được xác định bên trong nội đô Sài Gòn. Được sự hỗ trợ của nhân dân, đoàn xe tăng, cơ giới của Quân đoàn 2 cùng các cánh quân của ta từ nhiều hướng nhanh chóng tiến thẳng vào chiếm Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện, đánh dấu thắng lợi quyết định của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
* Nét độc đáo của nghệ thuật chiến tranh nhân dân
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh là một điển hình về sự huy động sức mạnh tổng hợp; thể hiện tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh, kiên quyết và liên tục tiến công địch của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích, của đội ngũ công nhân cao su, nông dân, học sinh, trí thức trên địa bàn hướng Đông Nam chiến dịch. Sự nổi dậy kịp thời của các tầng lớp quần chúng nhân dân có ý nghĩa quan trọng đặc biệt, không chỉ góp phần kìm chân quân địch tại chỗ, diệt ác, phá kìm, phá ấp chiến lược, tạo điều kiện cho các lực lượng chủ lực thực hành tiến công địch, mà còn tạo ra một thế trận mới tại địa phương, làm tan rã hệ thống kìm kẹp của quân đội, chính quyền địch tại cơ sở, giành quyền làm chủ, giải phóng quê hương.
Hoạt động kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang trên hướng Đông Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh là một trong những nét đặc sắc, độc đáo của nghệ thuật tiến hành chiến tranh nhân dân Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ các cấp, các tầng lớp nhân dân trên hướng Đông Nam đã nổi dậy đấu tranh chính trị bằng nhiều hình thức phong phú, linh hoạt, tạo thuận lợi cho các mũi tiến công của chủ lực đẩy nhanh tốc độ hành quân, tiến nhanh về trung tâm đầu não chính quyền Sài Gòn, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Kết quả đó là thành công trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, là bài học quý, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
ThS Phạm Xuân Hà
Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
* Các tít phụ do TS đặt