Mặc dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi thất bại nhưng tinh thần của Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ cách đây 80 năm mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc.
Mặc dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi thất bại nhưng tinh thần của Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ cách đây 80 năm mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc.
Quần chúng nhân dân tham gia khởi nghĩa Nam kỳ. Nguồn: Internet |
Cùng với khởi nghĩa Bắc Sơn, binh biến Đô Lương, Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu đấu tranh bằng vũ lực của các dân tộc Đông Dương.
* Một lòng đứng lên chống giặc
Ôn lại những dấu mốc lịch sử, ThS Phạm Thị Phương Thúy, giảng viên Khoa Sư phạm khoa học xã hội, Trường đại học Đồng Nai cho biết, tháng 9-1939, Chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ. Tháng 6-1940, Pháp đầu hàng phát xít Đức. Nhân cơ hội này, cuối tháng 9-1940 phát xít Nhật (cùng trục phát xít với Đức, Italy) kéo quân vào Đông Dương, từ đây nhân dân Việt Nam lâm vào tình cảnh “một cổ hai tròng”.
Tháng 11-1940, quân Thái Lan theo lệnh của phát xít Nhật tiến đánh Campuchia. Để đối phó với quân Thái Lan, thực dân Pháp đã bắt lính ở khu vực Nam bộ làm bia đỡ đạn cho chúng. Căm thù thực dân Pháp, lại được cổ vũ mạnh mẽ bởi Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn (cuộc khởi nghĩa diễn ra tại H.Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn vào cuối tháng 9-1940 và kéo dài trong vòng 1 tháng), người dân nhiều tỉnh ở Nam kỳ và binh lính đồng lòng nổi dậy đấu tranh chống bắt lính, chống đưa lính ra mặt trận.
Tại hội nghị Trung ương Đảng họp tại Đình Bảng (Bắc Ninh) từ ngày 6 đến 9-11-1940 nhận định, điều kiện khởi nghĩa ở Nam kỳ và cả nước chưa chín muồi, đề nghị Xứ ủy Nam kỳ chưa nên phát động khởi nghĩa. Trung ương đã phái đồng chí Phan Đăng Lưu trở về truyền đạt quyết định của Trung ương cho Xứ ủy Nam kỳ. Nhưng khi đồng chí Phan Đăng Lưu về tới Sài Gòn thì lệnh khởi nghĩa đã ban hành tới các địa phương, không thể thu hồi.
ThS Phạm Thị Phương Thúy chia sẻ, theo các tài liệu lịch sử, công tác chuẩn bị khởi nghĩa Nam kỳ được triển khai rất khẩn trương. Ở nông thôn, phần lớn các xã đều có từ một tiểu đội đến một trung đội du kích. Các cơ sở sản xuất vũ khí làm việc suốt ngày đêm… Công tác binh vận được tổ chức ráo riết…
Theo ThS Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai, ở Biên Hòa từ sau khi có kế hoạch khởi nghĩa, công tác chuẩn bị khởi nghĩa được tiến hành khẩn trương, sôi nổi nhất là ở một số nơi thuộc Tân Uyên và Châu Thành. Đặc biệt ngay từ tháng 7-1940, Tỉnh ủy Biên Hòa đã xây dựng đội vũ trang (35 người) để chuẩn bị cho Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ. Các đồng chí trong Tỉnh ủy và một số đảng viên len lỏi vào các quận, các xã chỉ đạo các chi bộ, các cơ sở cốt cán chuẩn bị lực lượng, sẵn sàng phát động quần chúng nổi dậy.
Tuy nhiên, do kế hoạch khởi nghĩa bị lộ, thực dân Pháp đã kịp thời đối phó bằng cách giữ binh lính người Việt ở trong trại, tước vũ khí của binh lính phản chiến. Dù vậy, Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ vẫn diễn ra theo đúng kế hoạch vào đêm 22 rạng sáng 23-11-1940. Khởi nghĩa bùng nổ đồng loạt ở hầu hết các tỉnh Nam kỳ. Lực lượng vũ trang và quần chúng đã nổi dậy tiến công địch ở các xã, tập kích nhiều đồn bốt, tiến đánh một số quận lỵ, phá hỏng nhiều cầu, đường. Tại một số địa phương, chính quyền địch tan rã, chính quyền cách mạng được thành lập và đặc biệt là xuất hiện cờ đỏ sao vàng ở những nơi chính quyền cách mạng được thành lập và các cuộc biểu tình.
ThS Trần Quang Toại cho biết thêm, do kế hoạch khởi nghĩa bị lộ, cuộc khởi nghĩa chưa kịp nổ ra đã bị địch tập trung lực lượng bao vây các địa điểm chuẩn bị khởi nghĩa, nhiều đồng chí hy sinh và bị địch bắt tù đày. Đội vũ trang 35 người cũng bị tổn thất. Số còn lại được đồng chí Trần Văn Qùy chỉ huy rút vào rừng sâu hoạt động. Sau Nam kỳ khởi nghĩa, lực lượng các tỉnh Nam kỳ và Biên Hòa bị tổn thất nặng. Tại Biên Hòa, giặc thẳng tay chém giết, bắt bớ, tra tấn dã man không kể là đảng viên hay quần chúng. Bọn mật thám rình rập ở khắp nơi, chỗ nào tình nghi có cộng sản hoạt động là lập tức ập đến khủng bố. Vì vậy, phong trào cách mạng tạm thời lắng xuống.
* Nhiều bài học quý cho cách mạng Việt Nam
Khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra trong một thời gian ngắn và thất bại nhưng đã để lại những bài học quý báu. Từ nguyên nhân thất bại của Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ đã được Đảng ta nhìn nhận, rút kinh nghiệm ở giai đoạn cách mạng tiếp theo. Kết quả của việc rút kinh nghiệm đã làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ, nhất là Cuộc khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
TS Ngô Minh Vương, giảng viên Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh cho rằng, một trong những bài học được rút ra từ Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ chính là bài học về cụ thể hóa đường lối của Đảng phù hợp với thực tiễn địa phương, quan tâm giải quyết mối quan hệ giữa địa phương và cả nước. Minh chứng là khi Chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ vào đầu tháng 9-1939, thực dân Pháp không ngừng khủng bố đàn áp lực lượng cách mạng của ta, ra sức vơ vét bóc lột… làm khắc sâu mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa, trong đó có Việt Nam với thực dân Pháp và bè lũ tay sai. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan, cán bộ hoạt động hợp pháp và bán hợp pháp phải rút vào hoạt động bí mật, chuyển trọng tâm công tác về nông thôn.
Những nội dung được đề ra tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng diễn ra tại Bà Điểm (Hóc Môn, Gia Định) vào tháng 11-1939 đã cụ thể hóa đường lối của Đảng phù hợp với thực tiễn cách mạng. Trong sách Địa chí Đồng Nai (tập III) của NXB Tổng hợp Đồng Nai có ghi: “Tại hội nghị đã nhận định hình thức Mặt trận dân chủ thích hợp với hoàn cảnh trước đây, nay không còn thích hợp nữa. Hội nghị đã quyết định chuyển Mặt trận dân chủ Đông Dương thành Mặt trận dân tộc phản đế Đông Dương để tiến hành chống đế quốc chiến tranh, đánh đuổi đế quốc Pháp và phong kiến, giải phóng các dân tộc Đông Dương, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập. Hội nghị cũng đã nhấn mạnh giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Đông Dương và chủ trương tạm gác khẩu hiệu cải cách ruộng đất, chỉ đề ra khẩu hiệu giảm tô, chống vay nặng lãi, tịch thu ruộng đất của đế quốc và địa chủ chia cho nông dân…”.
Theo ThS Phạm Thị Phương Thúy, Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ còn đem lại cho cách mạng Việt Nam bài học về công tác chuẩn bị các điều kiện cần và đủ cho một cuộc khởi nghĩa nổ ra có thể giành được thắng lợi, đặc biệt là chuẩn bị về lực lượng chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang và khởi nghĩa vũ trang, chiến tranh du kích, xây dựng và kiểm tra kế hoạch, phát hiệu lệnh khởi nghĩa.
Cụ thể là tại Biên Hòa, hưởng ứng cuộc khởi nghĩa, công nhân Nhà máy Cưa BIF đã treo cờ búa liềm, rải truyền đơn kêu gọi ủng hộ Liên bang Xô-Viết; hơn 2 ngàn công nhân cao su ở các sở Cam Tiêm (Ông Quế), Courtenay (Cẩm Mỹ) tiến hành bãi công… Cũng sau Nam kỳ khởi nghĩa, để có lực lượng chính trị quần chúng hùng mạnh, Đảng đã đề ra chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh và trở thành nơi tập trung khối đại đoàn kết toàn dân đồng lòng chống giặc. Về xây dựng lực lượng vũ trang, từ năm 1940 rải rác trên cả nước các đội du kích đã ra đời - tiền thân để phát triển lực lượng vũ trang sau này…
Bên cạnh bài học về giữ vững sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với quần chúng, không ngừng xây dựng lực lượng cách mạng trong quần chúng; khơi dậy và nhân lên sức mạnh vĩ đại từ sự đồng tâm hiệp lực của quần chúng, theo ThS Trần Quang Toại, khởi nghĩa Nam kỳ còn đem lại bài học về việc đánh giá đúng tình hình và nghệ thuật chớp thời cơ tiến hành khởi nghĩa thành công…
ThS Trần Quang Toại, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai cho rằng, khởi nghĩa Nam kỳ hay thắng lợi của Cuộc khởi nghĩa Tháng Tám sau này đều thể hiện khát vọng độc lập dân tộc của nhân dân ta. Ngày nay, đất nước độc lập, nhân dân tự do, khát vọng của Đảng và các tầng lớp nhân dân chính là “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Để thực hiện được khát vọng này, đường lối, chủ trương của Đảng phải đến được với nhân dân, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, cùng chung tay thực hiện khát vọng này. |
Nga Sơn