Ngày 26-10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội nghe và thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và phòng, chống tham nhũng năm 2020.
Ngày 26-10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội nghe và thảo luận trực tuyến về các báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và phòng, chống tham nhũng năm 2020.
Quang cảnh Quốc hội thảo luận trực tuyến tại điểm cầu hội trường Diên Hồng ngày 26-10. Ảnh: TTXVN |
Cho ý kiến về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020, đa số đại biểu tán thành với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra và cho rằng công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đạt nhiều chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội. Tuy nhiên, kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế, nhất là vi phạm pháp luật và tội phạm về lĩnh vực tài nguyên môi trường, hàng giả, buôn lậu, gian lận thương mại; tội phạm, vi phạm pháp luật về chức vụ, tham nhũng...
Trước ý kiến của đại biểu Quốc hội, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định: Đảng, Nhà nước ta thể hiện quyết tâm rất cao trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Năm 2020, Ban Chỉ đạo 138 quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực để làm tốt công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, vi phạm pháp luật, chống tội phạm, thi hành án, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
“Chúng ta xây dựng nhiều văn bản chỉ đạo, văn bản dưới luật về vấn đề này, đẩy mạnh các mặt phòng ngừa và tiến hành công tác kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử. Quan điểm là đấu tranh triệt để, không có vùng cấm. Những vấn đề các đại biểu nêu ra là đều có. Tội phạm lĩnh vực này có dấu hiệu của lợi ích nhóm, trục lợi chính sách, của sự cấu kết… Chúng ta cũng triệt để điều tra, truy tố, xét xử như thực tế đã diễn ra, vi phạm tới đâu xử lý tới đó, nhưng cũng đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Mục tiêu chính là để răn đe tội phạm và xây dựng cơ chế phòng ngừa; thu hồi tài sản tối đa cho Nhà nước” - Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ: Về cơ bản, các đại biểu Quốc hội tán thành với những nội dung được nêu trong các báo cáo và cho rằng, báo cáo được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, chất lượng. Trong năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có tác động, ảnh hưởng hết sức nặng nề đến sự phát triển kinh tế - xã hội, nhưng Chính phủ, Viện KSND tối cao, TAND tối cao tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu được nêu trong Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp, góp phần giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội; tạo tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, góp phần bảo vệ quyền con người và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Các báo cáo của Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chánh án TAND tối cao, báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với những kết quả được nêu - Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Đối với một số hạn chế, bất cập mà đại biểu Quốc hội nêu ra, Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan nghiên cứu, tiếp tục có những giải pháp xử lý.
L.V (Tổng hơp)