Cùng với những thế hệ đầu tiên của cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, tên tuổi đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai sẽ mãi mãi được ghi trang trọng nhất trong lịch sử vẻ vang của Đảng, của đất nước và dân tộc.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai |
Cùng với những thế hệ đầu tiên của cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, tên tuổi đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai sẽ mãi mãi được ghi trang trọng nhất trong lịch sử vẻ vang của Đảng, của đất nước và dân tộc.
Bà Nguyễn Thị Minh Khai (tên thật là Nguyễn Thị Vịnh), sinh ngày 30-9-1910, tại xã Vịnh Yên, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An. Sinh ra trong một gia đình công chức và buôn bán nhỏ, có điều kiện để được theo đuổi con đường học hành. Ở trường học, bà đã nhận được ảnh hưởng tư tưởng yêu nước từ các nhà cách mạng tiền bối của Đảng như Trần Phú, Hà Huy Tập... Nguyễn Thị Minh Khai đã tham gia trong các phong trào cách mạng sôi nổi ở Vinh từ năm 1925, đặc biệt là trong tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh. Năm 1927, Nguyễn Thị Vịnh gia nhập tổ chức tiền thân của Đảng ở Vinh và bà lấy tên mới là Nguyễn Thị Minh Khai. Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập năm 1930, Nguyễn Thị Minh Khai trở thành một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng. Bà được giao phụ trách và trở thành nhà lãnh đạo trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Theo phân công của Đảng, tháng 3-1930, Nguyễn Thị Minh Khai sang Trung Quốc và công tác ở Văn phòng chi nhánh Ban Phương Đông của Quốc tế Cộng sản, nhận nhiệm vụ liên lạc với các tổ chức cách mạng Việt Nam ở trong nước...
Năm 1931, trong thời gian hoạt động ở Trung Quốc, bà bị bắt tại Hương Cảng, bị kết án và giam ở đây. Năm 1934, bà ra tù và được Đông phương bộ Quốc tế Cộng sản cử làm đại biểu chính thức đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản tại Moskva. Tháng 8-1935, Đại hội lần thứ VII của Quốc tế Cộng sản diễn ra tại Moskva, Nguyễn Thị Minh Khai là đại biểu chính thức tham dự và phát biểu tham luận tại đại hội. Năm 1936, bà được cử về nước truyền đạt chỉ thị của Quốc tế Cộng sản và được cử vào Xứ ủy Nam kỳ, giữ chức Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn vào năm 1937. Trong phong trào cách mạng ở Sài Gòn giai đoạn 1936-1939, Nguyễn Thị Minh Khai là một trong những người lãnh đạo cao trào cách mạng ở đây. Thời gian này, bà lấy bí danh là Năm Bắc.
Ngày 22-6-1939, chồng bà, Tổng bí thư Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt. Khi ấy, bà đang mang thai con gái đầu lòng. Giữa bộn bề đau thương việc nước, việc nhà, bà vẫn nén đau thương hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng giao phó. Ngày 6-2-1940, ông Lê Hồng Phong bị thực dân Pháp bắt lần 2, bị kết án giam ở Khám lớn Sài gòn và sau đó đày ra Côn Đảo. Ngày 6-9-1942, ông Lê Hồng Phong qua đời tại Côn Đảo đúng sinh nhật lần thứ 40 của mình. Ngày 6-2-1940 ông bị bắt cũng là khoảng thời gian bà sinh con gái đầu lòng Lê Nguyễn Hồng Minh, là tên ghép của Minh Khai và Hồng Phong.
Ngày 30-7-1940, ngay sau phiên họp của Xứ ủy Nam Kỳ về phổ biến chủ trương khởi nghĩa, bà bị bắt cùng ông Nguyễn Hữu Tiến, nhà cách mạng tiền bối, người vẽ lá cờ đỏ sao vàng hiện nay. Mặc dù bị bắt và giam ở Khám Lớn - Sài Gòn, song bà vẫn thông qua các con đường giao liên bí mật chỉ đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.
Trong nhà tù của thực dân, bà đã chịu đủ mọi cực hình tra tấn. Thậm chí, sau khi phát hiện ông Lê Hồng Phong là chồng bà, thực dân Pháp đã đem 2 người giam chung để nhằm lung lạc tinh thần. Thế nhưng, tất cả những mưu ma chước quỷ đã không thể nào lung lạc được những tinh thần kiên trung, bất khuất ấy. Sau khi cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bị khủng bố, tòa án thực dân đã buộc bà là người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa này và kết án tử hình. Tại Tòa án binh Sài Gòn, bà đã dõng dạc chất vấn lại: “Nước của tôi, cứu nước là có tội, cướp nước không có tội sao?”. Bức thư cuối cùng mà bà gửi cho người đồng chí, người bạn đời Lê Hồng Phong đang bị giam cầm ngoài Côn Đảo với những lời tha thiết: “Dù có chết, em hứa với anh, chung thủy với cách mạng, trung thành với Đảng. Em hứa mãi là người cộng sản kiên cường. Mong anh cũng vậy”.
Sau khi đàn áp khởi nghĩa Nam Kỳ, thực dân Pháp đã đưa rất nhiều lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng sản Đông Dương như: Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Hữu Tiến, Kỳ Võ Văn Tần... ra xử bắn tại Hóc Môn, Sài Gòn. Trước pháp trường, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai hướng về phía đồng bào, nói những lời tâm huyết: “Việc chúng tôi làm là chính nghĩa. Vì muốn Tổ quốc tôi được độc lập, dân tôi được ấm no mà chúng tôi làm cách mạng. Chúng tôi không có tội gì”.
Cuộc đời của người cộng sản kiên trung Nguyễn Thị Minh Khai đã khép lại ở tuổi 31, song sự hy sinh anh hùng, lẫm liệt của bà và của người đồng chí - người bạn đời Lê Hồng Phong sẽ mãi mãi được lịch sử và đất nước ghi ơn và nhắc nhớ. |
Hồng Phúc