Báo Đồng Nai điện tử
En

Thượng tướng Lê Khả Phiêu - Tấm gương mẫu mực của vị tướng ngoài mặt trận

10:08, 11/08/2020

Ông là tấm gương mẫu mực về một vị tướng ngoài mặt trận. "Đứng mũi chịu sào", bất chấp chiến sự ác liệt, địch tổ chức phục kích, ông vào tận các chốt của hệ thống phòng thủ để nắm bắt tình hình và thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ.

Ông là tấm gương mẫu mực về một vị tướng ngoài mặt trận. “Đứng mũi chịu sào”, bất chấp chiến sự ác liệt, địch tổ chức phục kích, ông vào tận các chốt của hệ thống phòng thủ để nắm bắt tình hình và thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ. Ông cảm nhận đời sống, tâm tư người lính bằng trái tim và tình thương yêu đồng đội, đồng chí.

Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu gặp lại đồng đội cũ (ngày 8-10-2010). Ảnh: TTXVN
Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu gặp lại đồng đội cũ (ngày 8-10-2010). Ảnh: TTXVN

Đó là những chia sẻ của đại tá Nguyễn Dĩnh, nguyên Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, trong niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Thượng tướng, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu.

* Tấm gương mẫu mực

Câu chuyện với đại tá Nguyễn Dĩnh bắt đầu từ những ngày tháng bảo vệ bờ cõi phía Tây Nam của Tổ quốc và đáp lại lời kêu cứu một dân tộc khỏi thảm họa diệt vong, tháng 1-1979, Quân tình nguyện Việt Nam vào Campuchia phối hợp với lực lượng cách mạng và nhân dân Campuchia, đánh đổ chế độ Khmer Đỏ diệt chủng, rồi tiếp đó là 10 năm giúp bạn hồi sinh đất nước Chùa Tháp. Trong đội quân tình nguyện ấy, ông Lê Khả Phiêu là người tham gia chỉ huy những trận đánh đầu tiên ở một cánh quân, một mặt trận, lần lượt ở các vị trí Chủ nhiệm Chính trị rồi Phó tư lệnh về chính trị Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia. Còn ông Nguyễn Dĩnh là sĩ quan Tuyên huấn của Mặt trận 719 - mật danh của quân tình nguyện tại đất Angkor...

Trong ký ức của đại tá Nguyễn Dĩnh, ngay sau khi giải phóng Campuchia, Việt Nam đã giúp đỡ nước bạn mạnh mẽ trong việc xây dựng lại đất nước. Bộ đội tình nguyện cũng ở lại giúp người dân Chùa Tháp bảo vệ, ngăn chặn, không cho chế độ diệt chủng quay trở lại đất nước này. Nhưng 23 sư đoàn của Pol Pot chưa bị loại trừ hoàn toàn, đám tàn quân chạy dạt về biên giới phía Tây tìm mọi cách phản kích. Anlong Veng, một huyện thuộc tỉnh Oddar Meancheay tại Campuchia, là địa bàn hoạt động chống phá dữ dội của lính Pol Pot.

Để ngăn địch tiến vào giết chóc, bộ đội tình nguyện giúp nước bạn củng cố hệ thống phòng thủ trên dãy núi Dângrêk tại Anlong Veng. Địch tìm mọi cách phục kích bộ đội tình nguyện. Mùa khô năm 1986, ông Lê Khả Phiêu, lúc ấy là Phó tư lệnh về chính trị kiêm Chủ nhiệm Chính trị, Phó bí thư Ban Cán sự Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia vẫn quyết định đến từng chốt, từng trận địa phòng thủ để nắm bắt thực tế tình hình và thăm hỏi, động viên chiến sĩ. Ông xắn cao ống quần, phăm phăm lội qua những đoạn đường bùn đất ngang mắt cá chân, băng ruộng, vượt rừng núi để vào trận địa. Những người lính khi ra đón đoàn, nắm chặt bàn tay ông, vui vẻ trò chuyện với ông, ít ai nghĩ rằng đó là một vị tướng.

“Chúng ta đã chiến thắng trong cuộc chiến đấu tại biên giới Tây Nam để bảo vệ Tổ quốc, đã cùng với nhân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng. Nhưng đánh thắng là một chuyện. Còn ở lại xứ Chùa Tháp thêm 10 năm nữa giúp bạn hồi sinh là chuyện khác. Vấn đề là làm thế nào để những cánh quân tình nguyện và người lính tình nguyện đủ niềm tin và vững vàng, yên tâm làm nhiệm vụ. Đây là vấn đề khó nhưng chúng ta đã làm được bằng những hành động, những việc làm, tình cảm thương yêu chiến sĩ một cách ấm áp, gần gũi như của vị tướng Lê Khả Phiêu” - Đại tá Nguyễn Dĩnh nhớ lại.

Nhớ lại những năm tháng cùng ông Lê Khả Phiêu trên chiến trường Campuchia, dõi theo những trận đánh ở một cánh quân, một mặt trận và lần lượt ở các vị trí chỉ huy khác nhau của vị tướng người Thanh Hóa, đại tá Nguyễn Dĩnh khẳng định, với cương vị là Phó tư lệnh về chính trị kiêm Chủ nhiệm Chính trị Mặt trận 719, ông Lê Khả Phiêu đã bao quát, chỉ huy toàn bộ các đơn vị quân tình nguyện tại chiến trường Campuchia. Bộ Tư lệnh 719 chỉ đạo, chỉ huy, lãnh đạo cả lực lượng quân tình nguyện và các chuyên gia quân sự. Chính vì vậy, vị trí và vai trò của một lãnh đạo trong Bộ Tư lệnh mà trực tiếp là ông Lê Khả Phiêu là rất lớn.

Theo ông Dĩnh, bên cạnh sự nhạy bén của vị tướng vốn trưởng thành từ một người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu, ông Lê Khả Phiêu lại nổi bật, được cán bộ, chiến sĩ nhớ tới bởi sự giản dị, cởi mở, thân tình, hết lòng vì bộ đội. Trong ký ức của những người lính và sĩ quan ngày ấy, ông là một cán bộ gương mẫu, nói và làm đi đôi với nhau, một tấm gương sáng về mặt hình ảnh, sự lãnh đạo. Ông là một vị tướng có rất nhiều kinh nghiệm trong quá trình trưởng thành từ một binh nhì đến vai trò một vị tướng. Chỉ riêng trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ thì việc thực hiện, triển khai hiệu quả những chủ trương của Đảng ủy Quân sự Trung ương, Bộ Quốc phòng cho các đơn vị quân tình nguyện Campuchia để các cánh quân đứng vững vàng và mỗi người lính ở Campuchia yên tâm làm nhiệm vụ suốt 10 năm “giúp bạn là tự giúp mình”, để cho lực lượng của Campuchia trưởng thành, vững mạnh, tự bảo vệ được đất nước, từ đó Việt Nam dần dần rút quân về, đã thể hiện tài cầm binh của ông.

“Ông chính là tấm gương sáng, mẫu mực cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân noi theo” - đại tá Nguyễn Dĩnh xúc động nói.

* Nhà chính trị quân sự có tầm nhìn xa trông rộng, đức độ và gần gũi

Đối với trung tướng Phạm Xuân Thệ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Quân khu 1, khi nhắc đến Thượng tướng, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu - sâu thẳm đáy lòng ông luôn kính trọng bởi đó là một nhà chính trị quân sự có tầm nhìn xa, trông rộng và cũng là người lãnh đạo đức độ, rất thương người lính.

Ấn tượng về ông Lê Khả Phiêu trong trung tướng Phạm Xuân Thệ in đậm từ chiến dịch tiêu diệt chi khu quân sự và quận lỵ Thượng Đức (Quảng Nam) vào mùa hè năm 1974. Các năm 1968, 1969, rồi năm 1970, Quân khu 5 đã 3 lần tiến công Thượng Đức nhưng đều bất thành.

Theo ký ức của trung tướng Phạm Xuân Thệ, tháng 5-1974, khi Quân đoàn 2 được thành lập, ông Lê Khả Phiêu từ Quân khu Trị Thiên được điều về giữ chức Chủ nhiệm Cục Chính trị Quân đoàn. Còn ông Thệ khi đó là Trung đoàn phó Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 của Quân đoàn 2. Thực hiện chủ trương của Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, đầu tháng 6-1974, Sư đoàn 304 được chỉ thị vào phối hợp với lực lượng vũ trang Quân khu 5 mở chiến dịch Thượng Đức.

“Hôm đó, ông Lê Khả Phiêu cùng cán bộ của Quân đoàn xuống trực tiếp giao nhiệm vụ cho Sư đoàn cũng như Trung đoàn 66. Không chỉ kiểm tra rất kỹ công tác tổ chức, chuẩn bị hành quân của Trung đoàn, ông còn đến từng tiểu đoàn, từng đại đội, trò chuyện nắm bắt tư tưởng của những người lính trước trận đánh lớn” - trung tướng Phạm Xuân Thệ nhớ lại.

Khi họp với ông Lê Khả Phiêu trước chiến dịch Thượng Đức, ông Thệ cũng như anh em cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 và Sư đoàn 304 đều nhận thấy, họ đang làm việc với một cán bộ chính trị cấp Quân đoàn nhưng nắm rất vững kiến thức quân sự. Họp bàn xây dựng phương án cụ thể đánh Thượng Đức, ông Lê Khả Phiêu tham gia vào từng cách đánh, từng tình huống và phương án tác chiến. Ông cũng yêu cầu đắp sa bàn tại khu vực họp và đề nghị bổ sung huấn luyện cho bộ đội trước trận đánh để sát với phương án tác chiến và thực tế. Ông nhiều lần nhấn mạnh với cán bộ, chiến sĩ chỉ có thực hiện tốt nhất, chu đáo nhất việc chuẩn bị cho chiến dịch thì khi mở đợt tấn công mới đạt hiệu quả cao nhất, nhanh chóng giành được thắng lợi và giảm thương vong cho cán bộ, chiến sĩ...

“Tôi rất nhớ câu nói từ trái tim và đầy tình thương yêu đồng đội, đồng chí của ông với chúng tôi khi bàn phương án đánh Thượng Đức. Ông bảo, các bà mẹ miền Bắc đã nuôi những người con đến khi họ trưởng thành lại giao cho quân đội để làm những người lính cho chúng ta chỉ huy trong các trận đánh. Chúng ta phải thay mặt những người cha, người mẹ, đồng bào chúng ta đảm bảo các chiến sĩ hoàn thành được nhiệm vụ mà quân đội giao cho nhưng cũng phải giảm thương vong cho anh em chiến sĩ, giảm đau thương cho những người mẹ, người cha” - trung tướng Phạm Xuân Thệ xúc động nói.

Ngày 28-7-1974, chiến dịch Thượng Đức nổ ra và 8 giờ 30 ngày 7-8-1974, lá cờ cách mạng do Đảng bộ và nhân dân Quảng Đà trao cho Sư đoàn 304 tung bay giữa chi khu quận lỵ, báo hiệu chi khu quận lỵ Thượng Đức được hoàn toàn giải phóng cùng 4 xã Lộc Ninh, Lộc Vĩnh, Lộc Bình, Lộc Quang với hơn 13 ngàn dân. Sau đó, Sư đoàn 304 tiếp tục cùng lực lượng của Quân khu 5 đánh tan các đợt tái chiếm Thượng Đức của quân địch.  

“Đối với cán bộ, chiến sĩ chúng tôi, những ngày tháng cùng ông ở chiến trường Campuchia là thời gian không bao giờ quên được. Và với những cán bộ làm công tác Tuyên huấn thì không có sự giáo dục nào bằng những hành động cụ thể của ông năm đó với cán bộ, chiến sĩ ngoài mặt trận. Chúng tôi quý mến, trân trọng và nể phục ông ở những hành động ấy” - đại tá Nguyễn Dĩnh bày tỏ.

TTXVN

Tin xem nhiều